Tăng lương chưa phải yếu tố quyết định tăng năng suất lao động

Nhận định về tác động của việc tăng lương mới đây đối với đời sống của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) cũng như năng suất lao động, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng đây là một yếu tố rất quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định.

Điều kiện quan trọng thúc đẩy năng suất lao động

Sau một số lần lương được điều chỉnh, ông đánh giá việc tăng lương cơ sở lần này có tác động thế nào tới đời sống CBCCVC?

- Theo lộ trình, đáng lẽ lương cơ sở cho CBCCVC, lực lượng vũ trang (LLVT) đã được tăng cách đây nhiều năm nhưng vì nhiều lý do (bùng phát dịch Covid-19, nguồn lực khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm…) mà lương cơ sở mới được tăng cho đối tượng nghỉ hưu; từ ngày 1/7/2023 mới được điều chỉnh tăng cho CBCCVC và LLVT.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.

Sau thời gian dài khó khăn do dịch Covid-19, đây được ghi nhận là một bước đáng kể để tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho đội ngũ CBCCVC và LLVT, khi mức tăng lương lần này tương đối cao (20,8%), đã tạo phấn khởi và động lực làm việc tích cực hơn cho CBCCVC và LLVT - đối tượng đang được hưởng lương theo hệ số.

Tuy nhiên theo tôi, việc điều chỉnh tăng lương chưa phải yếu tố cơ bản tác động đến đời sống người lao động (NLĐ), mà mới chỉ góp phần cải thiện đời sống.

Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII năm 2018 đã nêu rõ: lương phải là thu nhập chính, bảo đảm được đời sống của NLĐ (kèm theo nuôi 1 con). Chứ hiện nay, dù có tăng lương hơn thế thì cũng chưa thể bảo đảm được đời sống cho họ; lương vẫn chưa là thu nhập chính mà vẫn còn những phụ cấp này nọ; mới tăng lương cơ sở chứ chưa tăng các loại phụ cấp.

Yếu tố cơ bản mang tính quyết định phải là cải cách chính sách tiền lương, sao cho tiền lương chiếm tối thiểu 70% thu nhập, bảo đảm được đời sống
CBCCVC.

Trong khu vực DN đã bảo đảm rồi, nhưng với khu vực công thì vấn đề lương còn những hạn chế, cần tiếp tục được cải cách.

Hơn nữa, dù mức tăng lương khá lớn nhưng chưa thể theo kịp tăng giá, nhất là giá điện đã tăng 3% và giá nước sạch tại Hà Nội cũng đã tăng từ đầu tháng 7/2023. Vì thế, bức xúc dư luận chung hiện nay vẫn là yêu cầu sớm thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27.

Song song với góp phần cải thiện đời sống CBCCVC thì việc tăng lương đặt yêu cầu ra sao tới vấn đề năng suất lao động, thưa ông?

- Cần thấy rằng năng suất lao động phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ tay nghề, kỹ năng, thái độ nhiệt tình của NLĐ cho tới công nghệ, thu nhập, tuyển dụng hay đào tạo bồi dưỡng…

Năng suất lao động người Việt Nam hiện rất thấp so với ở các nước trong khu vực và thế giới. Quan trọng không phải cứ tăng lương thì tăng được năng suất lao động, vì tăng lương chỉ là một phần điều kiện để khuyến khích, thúc đẩy tăng năng suất lao động, một yếu tố giúp cải thiện đời sống vật chất cho NLĐ. Tăng lương không có nghĩa có thể làm cho năng suất lao động tăng vọt ngay lập tức.

Tuy mấu chốt để tăng năng suất lao động không chỉ nằm ở việc tăng lương, nhưng vẫn cần khẳng định, tăng lương là điều kiện rất quan trọng để bảo đảm đời sống, sức khỏe và thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Bởi, sức lao động là hàng hóa nên phải được trả đúng giá trị, để không chỉ duy trì mà còn tái sản xuất sức lao động. Con người có rất nhiều nhu cầu, không chỉ ăn, ở, đi lại mà còn cần được học tập, nâng cao đời sống tinh thần…

Rõ ràng tiền lương rất quan trọng nhưng không phải yếu tố duy nhất để thúc đẩy tăng năng suất lao động, vì bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố khác, trong đó có vai trò của cơ quan, tổ chức đối với việc đào tạo bồi dưỡng tay nghề cho NLĐ; yếu tố công nghệ, cùng với sự nhiệt tình, đam mê, tính chuyên nghiệp của NLĐ...

Vậy theo quan điểm của ông, để thúc đẩy tăng năng suất lao động thì bên cạnh tăng lương, cần những chính sách gì?

- Quan trọng nhất là Nhà nước có cơ chế đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng để nâng cao tay nghề, trình độ cho NLĐ; cơ quan, tổ chức và chủ sử dụng lao động chú trọng áp dụng công nghệ (tăng cường số hóa trong xử lý công việc...), có yêu cầu bắt buộc với NLĐ; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý… đều sẽ giúp tăng năng suất lao động. Công nghệ đó không do NLĐ làm được mà phải do cơ quan, tổ chức đầu tư để áp dụng vào.

Lần tăng lương này sẽ giúp giáo viên có thêm thu nhập, tiếp tục bám trụ được với nghề. Ảnh: Phạm Hùng

Lần tăng lương này sẽ giúp giáo viên có thêm thu nhập, tiếp tục bám trụ được với nghề. Ảnh: Phạm Hùng

Quan trọng nữa là các cơ quan xây dựng được đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, có đam mê, lấy cái nghề mình đang theo là “nghiệp” và nhiệt tình với nó.

Quay trở lại yếu tố vật chất, có thể khẳng định tiền lương là quan trọng số một nhưng không có nghĩa là tất cả. Thực tế cho thấy chính sách thu hút nhân tài hiện không dùng yếu tố duy nhất là tiền lương.

Nhiều người biết là lương ở trong nước thấp nhưng vẫn từ nước ngoài về chỉ vì muốn gắn bó, được cống hiến, được khẳng định, hoặc vì môi trường làm việc có cơ hội thăng tiến…

Cấp bách cải cách chính sách tiền lương một cách đồng bộ

Như ông đã nói, việc điều chỉnh tăng lương lần này mới chỉ là một bước để cải thiện đời sống CBCCVC. Vậy thực tế đang đặt ra, đòi hỏi ra sao đối với việc cải cách chính sách tiền lương?

- Trong bối cảnh hiện nay càng thể hiện rõ, yếu tố cơ bản mang tính quyết định đến đời sống CBCCVC chính là phải sớm cải cách chính sách tiền lương.

Sau đợt tăng lương này, chắc chắn sau năm 2023 sẽ thực hiện cải cách tiền lương. Bộ Nội vụ đã sẵn sàng rồi, sẽ báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội và triển khai.

Để khơi dậy được đam mê làm việc của đội ngũ CBCCVC thì song song với cải cách chính sách tiền lương, phía cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động cần có cơ chế động viên, thúc đẩy để NLĐ muốn cống hiến, gắn bó với công việc, bằng cách áp dụng công nghệ, bằng cơ chế tiền thưởng… Người đứng đầu phải biết ghi nhận, khen thưởng kịp thời với những CBCCVC làm tốt và chia sẻ, quan tâm với người có hoàn cảnh khó khăn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

Thực tế Nghị quyết đã được ban hành năm 2018, nhưng sau đó từ 2019 - 2022 bùng phát dịch Covid-19 nên chưa đủ nguồn lực và điều kiện, kinh tế khó khăn, đặc biệt chưa xác định được vị trí việc làm…

Lại có thời gian xảy ra trên 40.000 NLĐ từ khu vực công chuyển sang khu vực tư nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục, khiến mất đi một đội ngũ CBCCVC có tâm huyết, kinh nghiệm lâu năm trong khu vực công, mà một nguyên nhân rất quan trọng là áp lực công việc rất lớn trong khi thu nhập thấp.

Vì vậy, càng đặt ra đòi hỏi cấp bách sớm cải cách chính sách tiền lương, trong đó phải xây dựng đồng bộ các khung, thang bậc lương, đồng thời xác định vị trí việc làm cho chuẩn.

Quốc hội cũng đã yêu cầu có lộ trình sớm cải cách tiền lương, và mục tiêu của Nghị quyết 27 là trả lương theo vị trí việc làm của CBCCVC nói chung và theo chức danh lãnh đạo quản lý.

Điểm quan trọng nhất để có thể cải cách tiền lương một cách đồng bộ, hiệu quả nhất là gì, thưa ông?

- Để đạt được mục tiêu đó thì phải thực hiện đúng theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành T.Ư, đó là xây dựng chính sách lương hoàn toàn mới, bỏ lương cơ sở đi, trả lương theo vị trí việc làm và theo chức danh lãnh đạo quản lý. Đương nhiên vẫn duy trì bậc lương nhưng ít thôi, chứ không tới 9 hay 12 bậc, rất kéo dài, rồi lương cơ sở nhân với hệ số rất phức tạp như hiện nay.

Cần tính toán sao cho bảo đảm được đời sống cho CBCCVC ở mức trung bình khá trở lên, tức là đủ đáp ứng các nhu cầu ăn, ở, học hành, đi lại, vui chơi giải trí, các nhu cầu tinh thần… và nuôi được 1 đứa con.

Không như ngày xưa tính lương cơ sở chỉ theo lượng calo mà 1 người cần hằng ngày, giờ đây tiền lương phải bảo đảm được cả nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần cho CBCCVC, được tính đúng, tính đủ để tiền lương chiếm ít nhất 70% thu nhập, còn lại phụ cấp chiếm ít thôi.

Trân trọng cảm ơn ông!

Linh Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-luong-chua-phai-yeu-to-quyet-dinh-tang-nang-suat-lao-dong.html