Tăng mục tiêu xuất khẩu, chi phí trả trước của DRC cao gấp 9,3 lần trong 6 tháng

Theo báo cáo tài chính của CTCP Cao su Đà Nẵng (HoSE: DRC), quý 2/2024 doanh nghiệp thu về 1.364 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vốn của doanh nghiệp trong quý 2/2024 chỉ tăng 7%, lên mức 1.089 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt mức 274,3 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp tăng từ 13,4 tỷ đồng lên 17,9 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng lại tăng từ 61,8 tỷ đồng lên 158,4 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong quý 2 đạt 77,4 tỷ đồng, tăng tới 52% so với mức 50,8 tỷ đồng tại cùng kỳ năm trước.

Hai quý đầu năm 2024, doanh thu thuần của Cao su Đà Nẵng đạt 2.337 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán lại giảm 5,5% so với cùng kỳ, đạt 1.901 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính của doanh nghiệp tăng 26%, lên mức 31 tỷ đồng; chi phí tài chính lại giảm 17%, còn 23 tỷ đồng. Chi phí bán hàng của doanh nghiệp cao gấp 1,9 lần, lên mức 245 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí, Cao su Đà Nẵng thu về 126,6 tỷ đồng lãi ròng, tăng 65% so với mức 76 tỷ đồng tại cùng kỳ năm trước.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của DRC tại ngày 30/6 đạt mức 3.671 tỷ đồng, tăng 8,4% so với mức 3.384 tỷ đồng ngày đầu năm 2024. Hàng tồn kho của doanh nghiệp giảm từ 1.234 tỷ đồng xuống còn 1.139 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn khách hàng của doanh nghiệp tăng từ 406 tỷ đồng lên 681 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6, nợ của DRC ở mức 1.801 tỷ đồng, tăng 17% so với mức 1.532 tỷ đồng tại ngày đầu năm 2024. Vay ngắn hạn của doanh nghiệp đạt 651 tỷ đồng, tăng 15%; vay dài hạn đạt 42,4 tỷ đồng, tăng 70%.

Đáng chú ý, khoản trích trước chi phí phải trả của doanh nghiệp tăng từ 20,3 tỷ đồng lên 190,7 tỷ đồng, tương ứng cao gấp 9,3 lần so với ngày đầu năm 2024. Trong tháng 5/2024, Cao su Đà Nẵng đã ký kết hợp đồng xuất khẩu lốp ô tô DRC với Oceanside One Trading (doanh nghiệp hàng đầu ngành lốp tại Brazil), nhằm nâng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Brazil từ 70 triệu USD lên 150 triệu USD/năm.

Hai quốc gia này hiện là thị trường trọng điểm của DRC, trong đó Brazil là thị trường xuất khẩu lốp Radial chính của doanh nghiệp. Dòng sản phẩm lốp PCR của Cao su Đà Nẵng được cho rằng có tiềm năng tăng trưởng lớn trong thời gian tới.

Dương Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tang-muc-tieu-xuat-khau-chi-phi-tra-truoc-cua-drc-cao-gap-93-lan-trong-6-thang-31390.html