Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn: Lộ trình nào phù hợp?

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn đang thu hút khá nhiều luồng ý kiến, trong đó lộ trình thực hiện rất được quan tâm.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn được đưa ra bàn thảo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với 3 phương án được đề xuất.

Trong đó có 2 phương án của Bộ Tài chính: Phương án 1 - tăng từ mức thuế suất 65% hiện nay lên 70% năm 2026, mỗi năm kế tiếp tăng thêm 5% để đạt mức 90% vào năm 2030; Phương án 2 - tăng lên 80% năm 2026, tăng 5%/năm liên tiếp đến năm 2030 đạt mức 100%. Phương án 3- phương án của Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát- tăng thuế từ năm 2027, mức tăng 5%, 2 năm tăng một lần, đến năm 2031 đạt thuế suất 80%.

Tại nhiều hội thảo, tọa đàm liên quan đến dự thảo luật này được tổ chức gần đây doanh nghiệp, chuyên gia nêu ra những quan điểm trái chiều về việc tăng thuế. Câu hỏi được đặt ra là tăng thuế liệu có thực sự làm giảm hành vi tiêu dùng đồ uống có cồn hay không, tăng như thế nào, mức độ ra sao để có tác dụng như mong muốn mà không ảnh hưởng ‘sốc’ tới doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn thu hút nhiều ý kiến. Ảnh: Vneconomy

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn thu hút nhiều ý kiến. Ảnh: Vneconomy

Hay tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn có đạt mục tiêu tăng thu ngân sách bền vững khi về lâu dài tăng thuế làm tăng giá, giảm tiêu thụ và làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…

Dựa trên kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM, thông tin: xét chung về tác động kinh tế, khi tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, từ đó làm giảm sản xuất của các ngành trong quan hệ liên ngành. Điều này dẫn tới khấu hao tài sản cố định của doanh nghiệp giảm, kéo theo lợi nhuận giảm sút, làm giảm thu nhập của người lao động và do đó thuế trực thu giảm.

Trình bày quan điểm ngược lại, TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương lại cho rằng, việc tăng thuế, bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn không làm giảm GDP, phần đóng góp chỉ luân chuyển từ ngành này sang ngành khác.

Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cũng thông tin, dựa trên kết quả ghi nhận về số vụ tử vong do đồ uống có cồn, Ngân hàng thế giới khuyến cáo Việt Nam tăng thuế với mặt hàng này, thậm chí tăng lên 150%.

Trước những ý kiến trái chiều được đưa ra, theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, mục tiêu của tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm thay đổi hành vi, không phải để tăng thu ngân sách. Đề ra phương án để không gây sốc cho doanh nghiệp. Cần có một khoảng thời gian để đánh giá tác động, có thời gian để chuyển đổi, để doanh nghiệp thích ứng. Mức tăng ra sao, lộ trình tăng như thế nào cần phải xem xét kỹ.

Đồng tình với quan điểm này, đứng ở góc độ sản xuất, để duy trì ổn định sản xuất cũng như những đóng góp của ngành trong nền kinh tế, đại diện cho doanh nghiệp đồ uống- ông Nguyễn Thanh Phúc - Giám đốc Đối ngoại cấp cao Heineken Việt Nam, bày tỏ, chuỗi giá trị ngành đồ uống có đầu vào từ rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành như nông nghiệp, phân phối, giao thông… cũng sẽ bị tác động khi của các doanh nghiệp lớn thu hẹp sản xuất. Như vậy, chắc chắn các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ mất đi cơ hội tham gia vào sản xuất, thị trường và đóng góp cho GDP.

Ông Nguyễn Thanh Phúc, đề xuất, việc sửa đổi thuế lần này cần đảm bảo tính nguyên tắc giữ vững ổn định, hài hòa, nuôi dưỡng nguồn thu phù hợp với các kịch bản kinh tế. Cần giãn, giảm tối đa việc tăng thuế để đảm bảo chính sách đưa ra hài hòa, hợp lý. Giãn việc tăng thuế đến năm 2027, giảm từ 15% xuống 5% sau đó cứ 2 năm tăng 1 lần, mỗi lần không quá 5%, đến 80% thì dừng lại ở năm 2031.

Trình bày quan điểm tương tự, ông Nguyễn Hoàng Giang - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại bia Sài Gòn, nhấn mạnh, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo đề xuất của Bộ Tài chính, sẽ có những hệ lụy trực tiếp tới các nhà sản xuất. Do đó, ông cũng đề xuất hai điểm: Thứ nhất, cân nhắc lùi thời gian áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đến năm 2027. Thứ hai, nghiên cứu kỹ lại mức tăng sao cho hợp lý, hài hòa giữa thu thuế, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đồ uống có cồn là ngành hàng tiêu dùng, có tác động lớn và trực tiếp tới nhiều ngành kinh tế, việc làm và thu nhập của người lao động, tuy nhiên không thể phủ nhận những tác động của mặt hàng này, đặc biệt là rượu tới sức khỏe người tiêu dùng. Như lời GS. TS Hoàng Văn Cường, mục tiêu của tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn vì một mục tiêu quan trọng là giảm hành vi tiêu dùng. Thế nhưng tăng như thế nào, lộ trình ra sao để hài hòa lợi ích các bên là cần thiết. Nhất là trong bối cảnh các nhà sản xuất đang gặp nhiều sức ép như hiện nay.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-con-lo-trinh-nao-phu-hop-360105.html