Tăng tỉ lệ sử dụng thuốc Việt Nam trong khám chữa bệnh

Thời gian qua, ngành Y tế đã tích cực triển khai thực hiện Đề án 'Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam' của Bộ Y tế, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, tăng tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng.

 Ngày càng nhiều người dân mua và sử dụng thuốc do Việt Nam sản xuất

Ngày càng nhiều người dân mua và sử dụng thuốc do Việt Nam sản xuất

Hiện nay, hệ thống các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước tương đối phong phú, công nghệ sản xuất thuốc ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy, thuốc Việt Nam đa dạng về chủng loại và số lượng như thuốc dung dịch tiêm truyền, thuốc tiêm, kháng sinh, thuốc tiêm bột đông khô và các nhóm thuốc khác. Để đảm bảo sử dụng thuốc hợp lí và an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế đã tích cực và cương quyết triển khai Chính sách quản lí chất lượng toàn diện, đảm bảo chất lượng thuốc từ sản xuất đến tận tay người tiêu dùng, đảm bảo sử dụng thuốc hợp lí, an toàn. Hệ thống sản xuất, kiểm tra chất lượng, tồn trữ bảo quản, lưu thông, phân phối thuốc không ngừng được tiêu chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tiêu chuẩn quốc tế. Tại Quảng Trị, hệ thống khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh gồm 4 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 trung tâm y tế huyện và 141 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Hệ thống phân phối thuốc gồm 6 công ty TNHH và cổ phần, 400 nhà thuốc, quầy thuốc và đại lí thuốc trải rộng khắp toàn tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Y tế thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” thông qua đấu thầu tập trung mua thuốc, tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng thuốc tại cộng đồng… Để đề án được triển khai hiệu quả, Sở Y tế đã phổ biến kịp thời các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đề án đến các đơn vị trực thuộc, các cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh; xem xét việc thực hiện của các đơn vị thông qua việc kiểm định các kế hoạch đấu thầu thuốc, vật tư y tế tiêu hao… Đối với các doanh nghiệp, nhà sản xuất trên địa bàn, sau khi tiếp nhận kế hoạch của Sở Y tế đã tăng cường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm dược liệu từ nguồn nguyên liệu sẵn có để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh tại địa phương. Nhờ vậy, tỉ lệ sử dụng thuốc trong nước tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể so với trước đây. Theo thống kê của ngành Y tế, nếu như năm 2015, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước trên phạm vi toàn tỉnh/ thành phố tính theo giá trị tiền thuốc chiếm 57,01% thì đến năm 2018, tỉ lệ này đã tăng lên 71,28%.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, để Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế được triển khai hiệu quả trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị nâng cao hơn nữa nhận thức, ý nghĩa của đề án để tích cực hưởng ứng. Bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi tiêu dùng phải ưu tiên lựa chọn hàng sản xuất trong nước. Mở rộng mạng lưới cung ứng thuốc để đưa hàng hóa Việt Nam đến các địa bàn vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người. Trong công tác xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị, ưu tiên chọn thuốc sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng, thuốc của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đạt chuẩn GMP- WHO. Đồng thời thực hiện phát triển, nuôi trồng nguồn dược liệu sẵn có tại địa phương làm nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc, giảm bớt nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào nước ngoài.

Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” được xem là tiền đề để dần làm thay đổi thói quen, nhu cầu sử dụng thuốc của mỗi người, mỗi gia đình theo tinh thần thúc đẩy các công ty sản xuất dược phẩm trong nước sản xuất được nhiều mặt hàng thuốc tân dược đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước và giảm gánh nặng về kinh tế cho người dân trong điều trị. Tuy nhiên, để thúc đẩy việc ưu tiên sử dụng thuốc Việt, ngành Y tế cần phải tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát, xử lí nghiêm các loại thuốc ngoại nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các chủ đại lí, nhà thuốc trong việc cung cấp, bày bán các mặt hàng thuốc nội, góp phần vào thực hiện hiệu quả của đề án.

Ông Phan Văn Khánh, Trưởng phòng Quản lí dược, Sở Y tế cho biết: “Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế công lập xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc hằng năm, ưu tiên tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước 60% đối với các Trung tâm y tế và 50% đối với bệnh viện đa khoa tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, vận động người dân ưu tiên sử dụng thuốc Việt Nam”.

Phan Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140518