Tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8%

Thủ tướng xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, vượt chướng ngại vật để về đích; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức sáng 1/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày chuyên đề "Tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025".

Theo Thủ tướng, về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư, Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, trong đó: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu dự hội nghị tại Hội trường Diên Hồng.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu dự hội nghị tại Hội trường Diên Hồng.

Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là về thể chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Tạo động lực, nền tảng phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3; tăng cường quốc phòng, an ninh; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế...

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng: Tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%.

Tính đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỷ USD, tăng 15,3%, xuất siêu trên 23 tỷ USD; ước cả năm đạt 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu hút FDI là điểm sáng và nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới...

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề tại hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề tại hội nghị.

Về an sinh xã hội được tập trung bảo đảm; đời sống người dân được cải thiện. Tăng 30% lương cơ sở, tăng 6% lương tối thiểu vùng hàng năm cho người lao động và điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 (đã tích lũy trên 700.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới cho năm 2024 và các năm sau). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%. Theo xếp hạng của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3; tinh thần "tương thân, tương ái", "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" tỏa sáng mạnh mẽ.

Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tiết giảm chi phí tuân thủ; tích cực xây dựng thể chế để kiên quyết xóa bỏ cơ chế "xin - cho". Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và Đề án 06 được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó ban hành nhiều luật, nghị định, văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số; đang rất tích cực xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; các cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế, các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số rất tích cực, nhất là trong số hóa, kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu (các cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước đều vào cuộc). Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2024 tăng 15 bậc, xếp thứ 71/193.

Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an với các đại biểu dự hội nghị tại Hội trường Diên Hồng.

Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an với các đại biểu dự hội nghị tại Hội trường Diên Hồng.

Tiềm lực quốc phòng, an ninh được đầu tư, củng cố, tăng cường; xử lý linh hoạt, chủ động, hiệu quả các tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; an toàn thông tin được tăng cường (chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp thứ 17/19454). Thực hiện nghiêm Chương trình, Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân được tăng cường, cải thiện. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế là điểm sáng, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế, uy tín đất nước...

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại lớn, trong đó, thể chế, pháp luật vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", nhất là quan điểm, quy trình, phương thức, phương pháp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đầu tư nguồn lực tài chính, con người cho công tác xây dựng pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn...

Quang cảnh hội trường.

Quang cảnh hội trường.

Thủ tướng xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, vượt chướng ngại vật để về đích; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Từ đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tiếp tục hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá"; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8%. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án lớn, quan trọng, trọng điểm quốc gia. Bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/tang-toc-but-pha-phan-dau-dat-toc-do-tang-truong-khoang-8--i751982/