Tăng tốc giải phóng mặt bằng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được tách khỏi dự án đầu tư và giao cho các tỉnh, thành phố thực hiện. Do đó, lãnh đạo địa phương phải trực tiếp chỉ đạo triển khai, để đồng loạt giải phóng mặt bằng từ ngày 19/8.
Đồng loạt GPMB
Mới đây, tại phiên họp Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương đồng loạt giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ngày 19/8. Thủ tướng cho biết, cấu phần GPMB đã được tách khỏi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và giao cho các tỉnh, thành phố thực hiện. Do đó, lãnh đạo địa phương phải trực tiếp chỉ đạo triển khai.
Tại Hà Nội, theo báo cáo tiền khả thi, tổng chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi trên địa bàn thành phố là gần 28km. Vừa qua, cử tri TP. Hà Nội kiến nghị các bộ, ngành sớm thực hiện cắm mốc chỉ giới và GPMB tuyếnđường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để người dân nắm được thông tin và có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Về nội dung này, Bộ Xây dựng cho biết, phần GPMB do TP. Hà Nội và các địa phương có dự án đi qua thực hiện sẽ cơ bản hoàn thành vào tháng 12/2026.
Ở tỉnh Thanh Hóa, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua tỉnh này có chiều dài hơn 95km, đi qua địa phận 7 phường và 11 xã. Tổng diện tích đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị ảnh hưởng, phải thu hồi gần 573 ha; số hộ phải di chuyển chỗ ở, bố trí tái định cư dự kiến là hơn 2.100 hộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho biết, địa phương đang đầu tư hạ tầng 39 khu tái định cư tại 16 phường, xã với diện tích là 300ha, tổng kinh phí thực hiện khoảng 3.873 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh này đã hoàn thành xây dựng hạ tầng 1 khu tái định cư; hoàn thành các thủ tục và phê duyệt thiết kế, đang GPMB 8 khu...

Khu vực GPMB phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Lam.
Tại khu vực miền Trung, UBND TP. Huế vừa có tờ trình gửi HĐND TP. Huế về việc ứng trước 60 tỷ đồng ngân sách thành phố năm 2025, để triển khai các dự án xây dựng khu tái định cư, nghĩa trang, phục vụ GPMB cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Được biết, qua rà soát, TP. Huế cần triển khai 4 dự án đầu tư các khu tái định cư và nghĩa trang, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Ở TPHCM, phạm vi triển khai của dự án trên địa bàn thành phố khoảng 110 ha. Tổng kinh phí sơ bộ dành cho bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho đoạn tuyến qua TPHCM dự kiến gần 2.576 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 2.110 tỷ đồng.
Hiện tại, TPHCM đã rà soát, xác định số lượng nhà, đất bị ảnh hưởng khoảng 200 căn. Thành phố dự kiến bố trí 106 căn hộ tại chung cư Linh Trung, 94 trường hợp nhận nền đất tái định cư được dự kiến bố trí tại khu Long Bình - Long Thạnh Mỹ.
Cố gắng 'về đích' trước tháng 12/2026
Theo Bộ Xây dựng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi, Hà Nội, điểm cuối tại ga Thủ Thiêm, TPHCM; đi qua 20 tỉnh, thành phố (sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, còn lại 15 địa phương). Quy mô dự án gồm 23 ga, trong đó có 5 ga hàng hóa. Nhu cầu sử dụng đất sơ bộ gần 10.830 ha. Dự kiến hơn 120.800 hộ dân phải tái định cư.
Trong Nghị quyết 106/NQ-CP Kế hoạch triển khai chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ngày 23/4/2025, Chính phủ giao Bộ Xây dựng rà soát, bàn giao hồ sơ thiết kế sơ bộ và ranh giới GPMB để địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai tái định cư và công tác bồi thường.

Các địa phương được yêu cầu hoàn thành GPMB cơ bản trước tháng 12/2026 để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Ảnh: Bộ Xây dựng.
Tính đến nay, Bộ Xây dựng đã bàn giao hồ sơ cho 20 địa phương và kiến nghị các địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị-nông thôn, kế hoạch sử dụng đất, xác định vị trí và lập dự án xây khu tái định cư…
Bộ Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước ngày 20/7. Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố tiêu chuẩn trước ngày 10/8.
Theo kế hoạch, các địa phương được yêu cầu hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư cơ bản trước tháng 12/2026 để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024 với tổng vốn sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Tuyến dài 1.541 km, khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h. Ngoài đầu tư công, dự án được Quốc hội cho phép triển khai theo các hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) hoặc đầu tư kinh doanh.
Liên quan đến GPMB phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tỉnh Nghệ An dự kiến xây 30 khu tái định cư với tổng diện tích hơn 102 ha, kinh phí 1.450 tỷ đồng; tỉnh Quảng Trị dự kiến xây 51 khu tái định cư với kinh phí khoảng 3.180 tỷ đồng; Hà Tĩnh dự kiến xây 35 khu tái định cư.