Tạo bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế
ĐBQH đoàn Hà Tĩnh và các tỉnh Lai Châu, Cà Mau, Lâm Đồng tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến về xây dựng và hoàn thiện các dự án luật.
Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
ĐBQH đoàn Hà Tĩnh và các tỉnh: Lai Châu, Cà Mau, Lâm Đồng đã đóng góp nhiều ý kiến.
Quản lý chặt chẽ tránh thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước
Thảo luận tại tổ, các đại biểu khẳng định việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hết sức cần thiết nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động, đảm bảo doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt trong nền kinh tế.
Các đại biểu đề nghị bổ sung quy trình giám sát và trách nhiệm giải trình; yêu cầu báo cáo, công khai thông tin về hoạt động đầu tư và sử dụng vốn; phân định nhiệm vụ, quyền hạn theo nhóm, quy mô doanh nghiệp; trình tự, thủ tục quản lý, đầu tư, cơ cấu lại vốn nhà nước; thẩm quyền quyết định nhân sự; cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.
Các ĐBQH đoàn Hà Tĩnh khẳng định, cần minh bạch hoạt động của doanh nghiệp có vốn Nhà nước; bổ sung quy định nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp định giá thấp tài sản, vốn nhà nước; phòng ngừa thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước; hình thức “khoán, cho thuê”, xử lý những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ.
Các đại biểu đề nghị bổ sung các trường hợp không được đầu tư vốn; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tôn trọng quyền quản trị của doanh nghiệp; thẩm quyền quyết định và phạm vi hoạt động của quỹ đầu tư phát triển.
Thúc đẩy công nghệ số trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Đánh giá những kết quả và hạn chế, vướng mắc, các đại biểu khẳng định cần thiết ban hành dự án Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm tạo cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy công nghệ số trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, tạo động lực mới cho sự phát triển.
Các đại biểu đề nghị quy định cụ thể điều kiện sản xuất, cung cấp dịch vụ công nghệ số; các tiêu chí đặc biệt để chọn lựa trọng tâm, trọng điểm và hình thành khu công nghệ số chất lượng cao. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, tăng cường tính chủ động và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Quy định các hình thức sở hữu, chính sách trao đổi, mua bán dữ liệu.
Các đại biểu cho rằng, công nghiệp bán dẫn là ngành sử dụng tài nguyên nước và điện với quy mô lớn, sử dụng nhiều hóa chất, tác động lớn đến môi trường, do đó, đề nghị quy định cụ thể các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù, vượt trội cần phải đi kèm với các cam kết, nghĩa vụ về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, sử dụng năng lượng xanh, sạch.
Các đại biểu nhấn mạnh, cần đề ra các cơ chế mới đột phá, thúc đẩy, hỗ trợ ngành công nghiệp số sớm bắt kịp với tốc độ phát triển của các quốc gia khác trong kỷ nguyên số, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quy định cụ thể về xử lý, thu hồi sản phẩm thải bỏ trong công nghiệp công nghệ số; quản lý rủi ro; bảo mật thông tin; bảo vệ quyền riêng tư.
Theo chương trình, chiều 23/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.