Tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) đề xuất Nhà nước với vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác. Quy định này sẽ tạo điều kiện để DN chủ động hơn trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh như các DN thuộc mọi thành phần kinh tế khác.
Theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN (Luật số 69/2014/QH13) hiện hành, việc xác định nội hàm quản lý đối với vốn nhà nước đã đầu tư vào DN chưa được xuyên suốt, còn đồng nhất vốn, tài sản của DN có vốn nhà nước đầu tư là vốn, tài sản của Nhà nước dẫn tới còn cách hiểu khác nhau.
Quy trình, thủ tục báo cáo, phê duyệt còn nhiều tầng nấc, chưa phân cấp triệt để, phải được sự chấp thuận của nhiều cơ quan quản lý trong quyết định các vấn đề quản trị kinh doanh.
Việc xác định và tách bạch giữa vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN chưa rõ, còn quy định quản lý vốn theo pháp nhân DN dẫn đến các quy định mang tính hành chính can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Việc sử dụng vốn sau khi Nhà nước đầu tư vào DN chưa đảm bảo tính công bằng, còn can thiệp vào công tác điều hành của DN, chưa tiếp cận theo thông lệ quản trị thế giới theo hướng quản lý theo dòng vốn đầu tư...
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN đã quy định quản lý vốn nhà nước tại DN theo hướng Nhà nước chỉ quy định thẩm quyền, trách nhiệm theo đúng phần vốn góp của Nhà nước tại DN.
Với vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác, không quản lý trực tiếp pháp nhân DN, để DN hoạt động theo nguyên tắc thị trường và các quy định của pháp luật DN như các loại hình DN khác.
Đây là nội dung căn bản và đổi mới toàn diện về phương thức, cách thức cũng như cách đặt vấn đề tại hồ sơ dự thảo Luật đảm bảo theo thông lệ quản trị quốc tế.
Tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật quy định: Nhà nước thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phần vốn đầu tư tại DN thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện chủ sở hữu vốn; vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại DN được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân DN.
Tại khoản 4 và khoản 5 Điều 5 dự thảo Luật quy định rõ nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN như: Tách bạch, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước và của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN thống nhất quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn...”
Việc xác định Nhà nước với vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác. Quy định này sẽ tạo điều kiện để DN chủ động trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh như các DN thuộc mọi thành phần kinh tế khác.
DN được chủ động hơn trong việc ra quyết định kinh doanh khi Nhà nước chỉ đóng vai trò là nhà đầu tư, thay vì can thiệp sâu vào hoạt động điều hành. Điều này giảm sự phụ thuộc vào cơ quan quản lý trong các quyết định hàng ngày. Nhờ đó, DN có thể chủ động hơn trong việc huy động và sử dụng vốn, tạo điều kiện bình đẳng hơn khi cạnh tranh với khu vực tư nhân.
DN cũng sẽ tự chủ và chịu trách nhiệm trong tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng chiến lược, kế hoạch và mục tiêu được giao. Ban lãnh đạo DN phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hiệu quả kinh doanh và việc sử dụng vốn đầu tư, tạo động lực để đổi mới và cải thiện hiệu quả hoạt động của DN.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo Luật quy định những nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư vốn của DN, không quy định các nội dung quản lý tài chính của DN như: Huy động vốn; Đầu tư, xây dựng mua bán tài sản cố định; Quản lý, sử dụng tài sản cố định; Quản lý nợ phải thu, nợ phải trả; Tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động. Các nội dung này, giao cho DN được chủ động tự chủ và chịu trách nhiệm...