Tạo nguồn thu bền vững từ lâm sản

Ngoài đồ gỗ, nội thất, hiện nay có không ít mặt hàng lâm sản của Việt Nam như: Mật ong, nấm, các loại hương liệu, sâm, dầu, nhựa, song, mây, tre, trúc... đã được đưa vào giao dịch thương mại. Điều này khẳng định, nhiều loại lâm sản đang là nguồn thu nhập thường xuyên, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

Trăn trở với cây keo, bồ đề nhiều năm không mang lại hiệu quả, ông Triệu Thiều Thăng, ở thôn Khe Ván, xã Quang Minh (Văn Yên, Yên Bái) loay hoay tìm hướng thay đổi. Đến khi Nhà nước thực hiện chính sách giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng, ông đã thử nghiệm trồng quế trên diện tích 7ha.

Theo ông Thăng, từ vỏ, gỗ, lá đến gốc rễ quế đều có giá trị sử dụng nên cây quế cho giá trị kinh tế cao, các sản phẩm quế trên thị trường tương đối ổn định. Gỗ quế được các cơ sở, hợp tác xã thu mua, sản xuất ván bóc, xẻ thanh bao bì, xẻ nan xuất bán chủ yếu sang các thị trường Đài Loan, Trung Quốc và một vài tỉnh, thành phố trong nước.

Nông dân xã Quang Minh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái chế biến vỏ quế. Ảnh: THỪA XUÂN

Nông dân xã Quang Minh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái chế biến vỏ quế. Ảnh: THỪA XUÂN

Đến nay, ông Triệu Thiều Thăng đã mở rộng diện tích trồng quế lên 15ha, cho thu nhập hằng năm 400-500 triệu đồng. Ông Thăng chia sẻ: “Mặc dù từ lúc trồng đến khi thu hoạch phải mất 10 năm nhưng giá trị của cây quế gấp nhiều lần so với các loại cây khác. Vì thế, 100% hộ dân ở Khe Ván trồng quế. Ở đây thương lái thường xuyên tìm mua nên sản phẩm không thừa, không ế được”.

Cũng như ông Triệu Thiều Thăng, anh Nguyễn Văn Sô ở thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) nhiều năm trồng keo, bạch đàn không mang lại hiệu quả. Nhận thấy khí hậu Tam Đảo quanh năm mát mẻ giúp nhiều cây dược liệu quý sinh trưởng tốt, đặc biệt là cây ba kích nên anh nảy ra ý tưởng trồng thêm cây dược liệu dưới tán rừng. Theo anh Sô, trồng ba kích cho thu nhập khá cao, trung bình đạt gần 300 triệu đồng/sào.

Trước đây, khi muốn tìm kiếm cây ba kích để cung ứng ra thị trường, anh Sô và gia đình phải lên rừng kiếm mà cũng không đủ để bán. Sau đó, anh chủ động tạo vườn ươm cây ba kích tại nhà. Anh vừa xây dựng mô hình ươm vừa kết hợp với trồng cây ba kích thương phẩm. Từ thành công của mô hình đã khuyến khích bà con nông dân trong thôn nhân rộng diện tích, mở rộng quy mô để cùng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Sô cũng trăn trở: “Hiện tại, chúng tôi chủ yếu bán sản phẩm thô để người dân ngâm rượu, làm thuốc mà chưa có các sản phẩm giá trị cao. Muốn làm được những sản phẩm này và xây dựng thương hiệu thì phải liên kết với các công ty dược”.

Tuy bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, song theo ông Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, mặc dù có nhiều chính sách được ban hành và thực thi trong suốt thời gian qua nhưng cho đến nay, vẫn chưa có các chính sách và chương trình riêng cho nhiều loại lâm sản.

Thực tế, vẫn chỉ ở mức lồng ghép những nội dung này vào các chính sách, chương trình, luật liên quan đến quản lý tài nguyên rừng. Điều này rất bất cập trong công tác quản lý vì mỗi loại lâm sản có những đặc thù về môi trường sinh thái, phương thức khai thác và công nghệ chế biến, làm hạn chế nhiều đến việc sử dụng hiệu quả và phát triển nguồn tài nguyên quý giá này. Vì thế, việc gây trồng và phát triển nhiều loại cây rừng còn manh mún, không thuận lợi cho quá trình quản lý, đầu tư kinh doanh theo hướng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh.

Còn theo ông Trần Văn Khởi, chuyên gia nông nghiệp: “Ngoài trồng cây gỗ lớn, chúng ta cũng cần đa dạng hóa các mặt hàng lâm sản. Cây dược liệu và cây thuốc cũng là những mặt hàng tiềm năng. Ước tính hiện có khoảng 50 loài cây thuốc cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, để phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, bảo tồn đa dạng sinh học, cần phải thực hiện tốt mối liên kết “5 nhà”, ngoài nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp cần có thêm nhà thuốc để bảo đảm sản phẩm được tiêu thụ ổn định”.

Có thể nói, để giải quyết triệt để bài toán phát triển lâm sản thì quan trọng nhất là xây dựng được chính sách phát triển cho những loại cây đặc thù này, tránh tình trạng quá tập trung vào cây lấy gỗ như hiện nay. Đồng thời, việc khai thác, sử dụng và tiêu thụ các sản phẩm lâm sản cũng phải được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, cần có phương án đánh giá, phân loại lâm sản theo thứ tự ưu tiên, từ những loài có giá trị cao đến thấp theo từng vùng sinh thái hoặc theo từng địa phương để có phương án bảo tồn, phát triển, nhất là những loài có nguy cơ tuyệt chủng.

ĐÌNH TRUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/tao-nguon-thu-ben-vung-tu-lam-san-736585