Tạo sức sống mới cho di sản văn hóa Huế

Chiều 23.11, tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận Di sản tư liệu 'Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế' và công bố hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể điện Thái Hòa.

Tham dự sự kiện có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Lê Thành Long; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương; Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Thị Hồng Vân…

 Các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Đồng bộ giải pháp để di sản văn hóa Huế trường tồn, lan tỏa

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, trong lịch sử Việt Nam, Huế từng là trung tâm văn hóa - chính trị của xứ đàng Trong vào thời các chúa Nguyễn và thời Tây Sơn; là Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất (1802 - 1945).

"Với tư cách là Kinh đô, Huế là điểm hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Dưới bàn tay của các nghệ nhân, của các thợ lành nghề và công sức, trí tuệ, tài năng của cả dân tộc Việt Nam đã để lại cho Huế một quần thể kiến trúc tiêu biểu với sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên, là bức tranh rõ nét về chân dung kinh đô xưa của Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, chứa đựng những sắc thái văn hóa rất riêng của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế", ông Nguyễn Văn Phương nói.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TTBTDTCĐH

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TTBTDTCĐH

Thừa Thiên Huế vinh dự là địa phương đầu tiên của cả nước có di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới (Quần thể di tích cố đô Huế, năm 1993) và cũng là nơi sở hữu di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nhã nhạc cung đình Huế, 2003). Cho đến nay, Thừa Thiên Huế đang là địa phương có số lượng di sản thế giới nhiều nhất Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Phương, "đây chính là minh chứng rõ nét cho sự phong phú và đa dạng của hệ thống di sản văn hóa mang giá trị toàn cầu tại vùng đất Cố đô".

Ông Nguyễn Văn Phương khẳng định: "Thừa Thiên Huế cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Chương trình, kế hoạch hành động của quốc tế và của Chính phủ Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; với các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho di sản; để di sản trường tồn, ngày càng lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

 Đón nhận bằng của UNESCO công nhận Di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Đón nhận bằng của UNESCO công nhận Di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Một điểm đến 8 di sản thế giới

Ngày 8.5.2024 tại Kỳ họp thứ 10 của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Mông Cổ, “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” chính thức được đưa vào danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Cửu đỉnh, được vua Minh Mạng ra lệnh đúc năm 1835 và hoàn thành năm 1837, tượng trưng cho sự trường tồn của triều đại và sự thống nhất lãnh thổ Việt Nam. Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh chứa đựng 162 hình ảnh và chữ Hán, là nguồn tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa, địa lý và nghệ thuật.

Việc “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh lên 10 di sản (gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Đây là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, góp phần nâng cao vị thế di sản Huế với danh hiệu “Một điểm đến 8 di sản thế giới” (Quần thể di tích cố đô Huế, Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế, Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam).

Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TTBTDTCĐH

Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TTBTDTCĐH

Phát biểu tại sự kiện, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker nhấn mạnh: “Di sản tư liệu của thế giới chính là di sản của tất cả chúng ta. Các di sản đó cần được gìn giữ và bảo tồn một cách toàn vẹn và được tiếp cận một cách vĩnh viễn, được công nhận một cách đúng đắn về các hoạt động thực hành văn hóa và tính thiết thực của văn hóa đó, được dành cho tất cả công chúng và không có sự cản trở”.

Ông Wallace Baker cũng cho biết, UNESCO đánh giá cao mối quan hệ đối tác lâu dài với Thừa Thiên Huế - nơi mà công tác bảo tồn di tích Huế đã được thực hiện với tâm huyết to lớn và gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận.

Đưa điện Thái Hòa trở lại nguyên bản

Cũng trong chiều nay, Thừa Thiên Huế chính thức công bố hoàn thành dự ánBảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa, đưa vào phục vụ tham quan. Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn, được khởi công xây dựng ngày 21.2.1805 và hoàn thành vào tháng 10.1805.

 Phó Thủ tướng Lê Thành Long và các đại biểu tham quan điện Thái Hòa. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Phó Thủ tướng Lê Thành Long và các đại biểu tham quan điện Thái Hòa. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Ban đầu, ngôi điện nằm cách vị trí hiện tại khoảng 45m về phía Tây Bắc. Tháng 3.1833, vua Minh Mạng đã dời điện Thái Hòa về phía Nam và xây dựng lại với quy mô đồ sộ hơn.

Điện Thái Hòa không chỉ là nơi diễn ra các đại lễ và buổi đại triều vào mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, mà còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ trang trí “nhất thi, nhất họa” độc đáo, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trải qua hơn 200 năm tồn tại và hơn 20 lần tu bổ, trùng tu, điện Thái Hòa vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt sau cơn bão số 5 ngày 23.9.2020. Dự án bảo tồn và tu bổ điện Thái Hòa đã được triển khai theo Nghị quyết số 12/NQ-HĐND và Quyết định số 1491/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, với các hạng mục: tu bổ, gia cường nền móng, phục hồi nền lát gạch và các chi tiết kiến trúc khác; tu bổ, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, vách ván và cửa bằng gỗ; tôn tạo vườn cây, tiểu cảnh; hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện, chiếu sáng, thoát nước và phòng cháy chữa cháy; tu bổ, phục hồi ngai vàng, bửu tán và các đồ nội thất khác.

Dự án bảo tồn và tu bổ điện Thái Hòa hoàn thành vượt tiến độ 9 tháng. Ảnh: TTBTDTCĐH

Dự án bảo tồn và tu bổ điện Thái Hòa hoàn thành vượt tiến độ 9 tháng. Ảnh: TTBTDTCĐH

Dự án có kinh phí gần 129 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành ngày 23.8.2025. Tuy nhiên, với sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng sự nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đơn vị thi công, dự án đã hoàn thành vượt tiến độ 9 tháng. Điện Thái Hòa đã được khôi phục đúng giá trị nguyên bản và sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần nâng cao giá trị văn hóa của vùng đất Cố đô.

“Qua ba năm triển khai Dự án, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tuân thủ đầy đủ các quy trình khoa học, từ khảo sát, nghiên cứu đến thực hiện các biện pháp nhằm bảo quản tối đa yếu tố gốc của di tích, quyết tâm gìn giữ cho được hồn cốt của công trình sau khi tu bổ và phải bảo đảm sự bền vững trong kỹ thuật và tôn vinh giá trị mỹ thuật truyền thống. Theo đánh giá chung, công tác bảo tồn, tu bổ điện Thái Hòa đã thực hiện một cách bài bản, khoa học, đáp ứng và tuân thủ các nguyên tắc về bảo tồn di tích”, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế Nguyễn Việt Trung nhấn mạnh.

"Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Huế từng bước được tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên HuếNguyễn Văn Phương

Ngọc Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tao-suc-song-moi-cho-di-san-van-hoa-hue-post397290.html