Tập trung phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước

Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 07 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung thực hiện các công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh giám sát mặt hàng gạo tại một số cơ sở kinh doanh ở Nha Trang

Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo; triển khai Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/2023; tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gạo để củng cố, mở rộng thị trường; kịp thời cập nhật tình hình xuất khẩu gạo và hỗ trợ thương nhân xử lý vướng mắc trong trường hợp cần thiết… Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định… Sở Công Thương địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo chất lượng và cân đối cung cầu mặt hàng gạo tại thị trường trong nước, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn giá gạo nói riêng và giá lương thực nói chung, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia…

C.VÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202308/tap-trung-phat-trien-thi-truong-xuat-khau-gao-va-binh-on-thi-truong-trong-nuoc-b4e41c0/