Tây Ban Nha - Ngôn ngữ của 21 quốc gia tạo lợi thế trong thời hội nhập

Tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính của 21 quốc gia với hơn 500 triệu người sử dụng trên thế giới. Ở Việt Nam, nhu cầu nhân lực ngành này rất lớn.

Tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính của 21 quốc gia trên thế giới.

Tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính của 21 quốc gia trên thế giới.

Tại Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha cung cấp kiến thức chuyên sâu về tiếng Tây Ban Nha và văn hóa, kinh tế, chính trị, lịch sử… của đất nước này.

Chất lượng đào tạo cao

Theo thống kê trong 3 năm gần đây, tỷ lệ sinh viên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha tốt nghiệp loại Khá - Giỏi dao động từ 85% đến hơn 90%. Tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp giữ ổn định ở mức hơn 80%.

ThS. Đỗ Huyền Thanh - Chủ nhiệm Bộ môn Ngữ văn Tây Ban Nha - cho biết: "Chương trình đào tạo không chỉ tập trung vào việc cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn chú trọng phát triển các kỹ năng mềm và ý thức trách nhiệm xã hội cho sinh viên. Chúng tôi khuyến khích tinh thần học tập suốt đời và sự thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động".

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha được rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết như: giao tiếp, đàm phán, thuyết trình, làm việc nhóm... Sau khi tốt nghiệp, sinh viên dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc đa dạng.

Khoa Ngữ văn Tây Ban Nha - Italia tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa phong phú. Trong đó, nổi bật là hoạt động Sinh hoạt ngoại khóa giao lưu vào tháng 5 hàng năm, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật chủ tịch Hồ Chí Minh và Ngày hội các nước nói tiếng Tây Ban Nha.

Để giúp sinh viên xây dựng những kĩ năng, làm quen với thị trường lao động, Khoa còn tổ chức các chương trình như Ngày hội giao lưu Nhà tuyển dụng, Chuỗi các workshop về kỹ năng mềm: xây dựng thương hiệu cá nhân, quản lý tài chính cá nhân, kỹ năng hành nghề hướng dẫn viên Du lịch, kỹ năng trao đổi qua thư tín Thương mại..

Chương trình thực tập được Khoa thiết kế tập trung vào mảng Du lịch, cho sinh viên cơ hội làm quen và trải nghiệm môi trường làm việc thực tế: Điều hành tour, quản lý Nhà hàng - Khách sạn, hướng dẫn viên du lịch…

Khoa có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ban Nha tại thành phố Hồ Chí Minh, các công ty như: Terra Verde, Urbanist Travel, Nomads Việt Nam... Nhờ đó, sinh viên có nhiều cơ hội thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp.

 Giảng viên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha và Nhà tuyển dụng tại Ngày hội Nhà tuyển dụng dành riêng cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha

Giảng viên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha và Nhà tuyển dụng tại Ngày hội Nhà tuyển dụng dành riêng cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha

Cơ hội trên mọi lĩnh vực

Cử nhân ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha đã và đang làm việc ở nhiều lĩnh vực: giáo dục, biên - phiên dịch, thương mại, du lịch, ngoại giao, báo chí… Đặc biệt, trong các lĩnh vực như thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu, đầu tư, mức lương cho nhân viên biết tiếng Tây Ban Nha có thể lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Hiện nay, nhu cầu về nhân lực có khả năng sử dụng tiếng Tây Ban Nha đang gia tăng mạnh mẽ. Dù được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, tiếng Tây Ban Nha vẫn là một “ngôn ngữ hiếm”. Vậy nên, sinh viên ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha sẽ tạo nên điểm khác biệt trong mắt các nhà tuyển dụng và có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc

Ba năm kể từ ngày tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha, chị Đoàn Hải Yến hiện là Trợ lý lãnh sự tại Lãnh sự danh dự Mê-hi-cô, TP.HCM. Chị khẳng định, những kiến thức, kỹ năng tích lũy ở bậc Đại học có tính ứng dụng cao, phục vụ trực tiếp cho công việc hàng ngày.

“Hiện nay, có rất nhiều quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha nên cơ hội học tập lẫn việc làm của tôi vô cùng đa dạng. Nhờ có hỗ trợ định hướng và giới thiệu của thầy cô trong Khoa cũng như Nhà trường, tôi được làm việc theo đúng chuyên ngành mình theo học” - chị chia sẻ.

 Sinh viên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha chào đón tân sinh viên thực hiện thủ tục nhập học

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha chào đón tân sinh viên thực hiện thủ tục nhập học

Nền tảng vững chắc để phát triển

Bà Lưu Khánh Thảo Nhi - Trưởng phòng Vận hành Công ty TNHH Nomads Việt Nam - nhận định, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha từ Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM sử dụng thành thạo tiếng Tây Ban Nha trong giao tiếp ở nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, sinh viên cũng có hiểu biết cơ bản về những đặc trưng văn hóa - xã hội của các nước sử dụng tiếng Tây Ban Nha, dễ dàng giao tiếp, làm việc với người bản xứ. Những kiến thức từ chương trình học đã xây dựng cho sinh viên nền tảng và tâm thế tốt để tiếp tục phát triển.

“Ở khía cạnh chuyên môn, kiến thức và các nhóm kỹ năng mềm cần thiết của các bạn để phục vụ cho công việc cần được liên tục trau dồi. Tuy nhiên, các bạn có tâm thế chủ động và định hướng phát triển sự nghiệp tốt; khả năng tự học và sự kiên trì cũng khá nổi trội so với sinh viên các ngành học khác. Tiềm năng phát triển của các bạn rất lớn, không chỉ trong công ty mà còn có thể tiến xa hơn nữa” - Bà khẳng định.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Việt Nam đang đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước Mỹ Latinh, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha trong tương lai.

Ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha đào tạo Cử nhân có kiến thức cơ bản về khoa học xã hội nhân văn; về ngôn ngữ học, văn học, chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa… của các nước nói tiếng Tây Ban Nha. Người học cũng có được kiến thức liên ngành đủ rộng để làm việc được trong nhiều môi trường, vị trí, lĩnh vực nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội đối với những ngành nghề cần sử dụng tiếng Tây Ban Nha.

Cử nhân Ngôn ngữ Tây Ban Nha có nhiều cơ hội làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành đã học: Giảng dạy ngôn ngữ Tây Ban Nha; Biên - phiên dịch; Công tác ngoại giao, đối ngoại; các tổ chức quốc tế; Nhân viên, thư ký văn phòng; Hướng dẫn viên, điều hành tour du lịch;...

Người học cũng có khả năng du học các chuyên ngành khoa học xã hội khác tại các nước nói tiếng Tây Ban Nha.

Quỳnh Mai

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tay-ban-nha-ngon-ngu-cua-21-quoc-gia-tao-loi-the-trong-thoi-hoi-nhap-post692068.html