Thả đôi lời hoa cỏ

Một thời, nhà thơ Lê Thị Kim làm thơ tình in khổ nhỏ như cuốn sổ tay đút túi, in tới 3.000 bản, được nhiều bạn trẻ chép trong sổ tay. Hơn hai mươi năm trôi qua, mới đây, thơ Lê Thị Kim lại trình làng, tập Em lạc đâu sao Kim (NXB Văn hóa Văn nghệ), không phải dạng sổ tay bỏ túi nữa, mà có cả tranh vẽ và thơ.

Có một giai đoạn thơ Lê Thị Kim viết hay trong đau đớn, khi chồng chị ra đi đột ngột: “Vì con đi hết đường này/ thôi đành phận số cát bay đá mòn/ mẹ như một cánh lá non/ khi cha bặt vắng mẹ còn hư vô/ vì con mẹ phải tự ru/ thôi thì ráng nốt kiếp hư vô này”. Vì con, yêu con, Lê Thị Kim mảnh mai, hiền dịu đã cầm cự, trụ vững và nuôi dạy hai con trai nên người.

Lê Thị Kim không chỉ tựa vào thơ, vào con trai. Chị được trời phú cho nét tài hội họa. Chị vẽ cho nỗi buồn không tàn phai. Niềm say mê hội họa của chị lan sang cậu con trai thứ hai. Cháu Nguyễn Trọng Hiếu vẽ đẹp dù không được khỏe như các bạn cùng trang lứa. Hiếu vẽ tranh, bán tranh, làm từ thiện, biết san sẻ cho những người còn bất hạnh hơn mình. Đó là tâm hồn nhân ái, hướng thiện, là cách sống đẹp mà Hiếu được truyền cảm hứng từ mẹ, người tinh tế luôn tránh chạm nỗi đau: “Một hôm chợt gặp giữa vườn ngâu/ em đi gót nhẹ hơn ngâu rụng/ sợ chạnh lòng ai những nỗi đau”.

Từ lâu, Lê Thị Kim và con trai Nguyễn Trọng Hiếu đã cộng tác và chia sẻ với quỹ Mô tô học bổng của nhà văn Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền bằng cách hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó. Chị luôn an ủi và tự an ủi khi đi qua đớn đau bất hạnh: “Hãy trôi hết/ niềm đau vào dĩ vãng/ cho nỗi ngậm ngùi/ ánh lên tia nắng/ và khoảng trời xanh của tóc/ quay về” (Khoảng trời xanh của tóc).

Nhà thơ nữ quê gốc xứ Thanh nhưng lang bạt ở Sài Gòn, thảng có lúc trở ra Hà Nội, là khi “để em thấy trái tim mình choáng ngợp/ ngày lại ngày đập với nhịp hồ Gươm” (Hà Nội nhớ), là “Giữa trăm ngàn nỗi nhớ/ Hà Nội - mỗi lần xa/ Mái phố gầy rêu phủ/ Da diết se lòng ta” (Mái phố Hà Nội xưa).

Lê Thị Kim từng là kỹ sư hóa, say mê thi họa, nghe nói chị còn kinh doanh. Không rõ chị làm kinh tế giỏi hay không, nhưng qua thơ và họa thì thấy nhà thơ tuổi Canh Dần này thật đảm đang, đa tài. Chị từng viết: “Hình như tôi chết/ sao còn thấy/ cánh buồm đỏ chói tận chân trời/ cánh buồm ôm giữ bao mộng ước/ băng nghìn trùng biển về cùng tôi”. “Hình như tôi chết” chỉ là giả thiết lúc nhà thơ đang chìm trong cõi vô thức để bất chợt nhận ra: “Thì ra khi chết tôi nhận biết/ tôi yêu - người - kinh - khiếp - dường bao”.

Với Lê Thị Kim, vì tình yêu không có tuổi: “Anh bất ngờ như bể/ đến lặng thinh như tờ”, nên thơ chị lắm khát khao, hy vọng, lắm mơ hồ và nhiều chênh chao: “Ơi Anh - Em chỉ là vì sao đi lạc/ Vì sao nổi trôi cuối tận cùng trời/ Vì sao nổi trôi giữa mênh mông đời/ Tự rực sáng - nhưng chơi vơi/ Cớ chi rực sáng trái tim người” (Khi định nói yêu em).

Một lần, gặp nhau, tôi thấy Kim giơ tay lên vuốt tóc, bàn tay chị mảnh khảnh nhưng gân guốc, chắc chắn, như minh chứng chị đã vẽ cật lực cho tác phẩm chị yêu thích, đó cũng là cách tiêu thời gian cho tuổi ngang chiều, cho nỗi đam mê. Xét cho cùng, điều sợ nhất ở tuổi đứng bóng là sức khỏe con người không cho phép làm gì để hết ngày. Hay như giây phút Lê Thị Kim thấy trống rỗng “để giấu trong hư ảo/ trái tim mình bơ vơ”.

Dòng chảy trong thơ Lê Thị Kim luôn hướng nội, chị viết cho chồng, cho con, và cho thân hữu bằng tấm chân tình, không bay bướm và không ồn ào. Chị cũng tự ru mình: “Buồn vui dầu có tái tê/ vẫn là kỷ niệm vỗ về đời tôi” (Sài Gòn bất chợt mùa đông), “Ta vẫn ru ta/ bên thềm bến cũ/ níu cành mai cổ/ mơ ai đang về/ à ơi tình gọi” (Ru ta nỗi nhớ).

Lê Thị Kim sống để viết và vẽ, như thể không sống nổi nếu không vẽ hoặc không viết. Tôi hy vọng Lê Thị Kim còn sáng tạo nhiều tranh đẹp, còn viết nhiều thơ hay gửi đến bạn đọc yêu mến chị.

Hoàng Việt Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/972259/tha-doi-loi-hoa-co