Thách thức mở rộng 'lưới an sinh' cho lao động phi chính thức

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi xếp nhóm chủ hộ kinh doanh có đăng ký, quản lý doanh nghiệp, điều hành HTX không hưởng lương vào diện đóng BHXH. Tuy vậy, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Dự thảo đề xuất tỷ lệ tham gia của nhóm trên là 25% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó 22% đóng quỹ trí tử tuất, 3% Quỹ ốm đau thai sản.

Băn khoăn ‘tự mình đóng cho mình’

Góp ý, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) nêu quan điểm không đồng tình xếp các nhóm trên vào diện đóng bắt buộc. Bởi nếu đưa họ vào, thực chất là "tự mình đóng cho mình" nên không thể gọi là bắt buộc. Các chế tài đi theo như nợ đóng, trốn đóng không có ý nghĩa. Nhiều quản lý HTX hiện là nông dân, đang đóng BHXH tự nguyện được ngân sách hỗ trợ. Nếu đưa vào diện đóng bắt buộc với quy định tuổi trên 55 với nữ và 57 với nam thì họ không đủ thời gian tham gia để hưởng hưu trí.

Đề xuất thêm nhiều nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Đề xuất thêm nhiều nhóm lao động tham gia BHXH bắt buộc.

"Cần cân nhắc mở rộng đối tượng với chủ hộ kinh doanh có đăng ký và điều hành HTX không hưởng lương, chỉ nên bắt buộc nếu ngân sách hỗ trợ", ông Thịnh đề xuất.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) đánh giá tỷ lệ như trên đồng nghĩa nhóm này phải gánh hai vai vừa là lao động vừa là chủ sử dụng. Đại biểu dẫn báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ cho biết không có số liệu chứng minh nhóm này có nhu cầu đóng BHXH bắt buộc hay không?

Đại biểu Thơ đã tự khảo sát bằng phỏng vấn sâu chủ hộ kinh doanh có đăng ký, người điều hành HTX không hưởng lương. Kết quả 70% nói không muốn và không có nhu cầu tham gia, 30% còn lại trả lời không nên bắt buộc mà để họ tự nguyện.

Bà Thơ cho rằng ban soạn thảo cần lấy ý kiến các nhóm này để đảm bảo công bằng với nhóm bắt buộc khác, không vì mục tiêu mở rộng diện đóng mà bỏ qua nhu cầu, nguyện vọng của họ. Đồng thời, cần cân nhắc xem các nhóm này nên xếp vào diện đóng bắt buộc hay tự nguyện.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH nhấn mạnh phương án bắt buộc là phù hợp

Giải đáp những băn khoăn trên, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết 28 nêu rất rõ, Việt Nam có BHXH toàn dân, đa tầng; Nghị quyết 42 phấn đấu đến năm 2030 đạt độ bao phủ 60%, nên việc mở rộng BHXH là tất yếu.

Phát triển BHXH tự nguyện cần tăng hỗ trợ để tạo sức hấp dẫn.

Phát triển BHXH tự nguyện cần tăng hỗ trợ để tạo sức hấp dẫn.

"Tất cả các nước phát triển đều có 2 yếu tố: Một là đã có giao kết hợp đồng, đã có nguồn thu, đã có lương thì phải nộp thuế; Hai là, phải đóng BHXH bắt buộc. Kinh nghiệm tất cả các nước đều như thế. Mặc dù về giáo dục, tuyên truyền,… nhưng là quy định bắt buộc, tinh thần như thế.

Chúng tôi đề nghị những đối tượng nào đã rõ rồi, đủ điều kiện rồi thì chúng ta quy định ngay trong luật. Ví dụ, hộ kinh doanh cá thể có phần trục trặc, nhưng về khuyết điểm, chúng ta xử lý khuyết điểm, người nào vi phạm thì xử lý vi phạm, còn quyền lợi của người lao động đóng rồi thì phải xử lý. Như hôm trước tôi nói, có 3 phương án để giải quyết, đó là chuyển vào bảo hiểm bắt buộc. Ai có nguyện vọng, có nhu cầu và thấy phù hợp”, ông Dung nói.

Trong trường hợp vừa qua đi khảo sát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, như đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nói là một phần không nhất trí, nhưng về cơ bản, cơ quan bảo hiểm khảo sát thấy theo phương án bắt buộc là phù hợp hơn và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tăng hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện

Mặt khác, không chỉ nhóm đối tượng trên, để đưa thêm nhiều lao động phi chính thức vào “lưới an sinh”, việc tăng tính hấp dẫn trong chính sách BHXH tự nguyện là rất cần thiết. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều chương trình, chính sách khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, song tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức tham gia chính sách này vẫn đạt thấp, thậm chí có đến 90% lao động phi chính thức không tham gia bất kỳ loại hình bảo hiểm nào.

Cụ thể, năm 2022 có hơn 1,4 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt tỷ lệ bao phủ 3,18% dân số; năm 2023 tăng lên khoảng 1,9 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 4,09%; dự kiến năm 2024 tăng lên 2,56 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 5,42%.

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), số lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện thấp một phần do thu nhập của nhóm này bấp bênh, không ổn định, nên họ thường chú trọng đến những nhu cầu trước mắt, chứ chưa quan tâm đến việc lo cho tương lai.

“Nhóm này ít tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện, còn tâm lý trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước và còn tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con”. Họ chưa hình thành được văn hóa đóng-hưởng, tức là tự bảo đảm an sinh xã hội thông qua tích lũy, đóng góp khi trẻ để hưởng thụ khi già. Đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất", ông Thọ chia sẻ.

Bên cạnh đó, hiện mức hỗ trợ của Nhà nước chưa tạo được “cú hích” khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện. Điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu còn dài (20 năm) cũng làm nản lòng một bộ phận người dân; chế độ BHXH tự nguyện còn ít nên chưa tạo sự hấp dẫn. Tuy nhiên, đối với chính sách này, để có thêm nhiều chế độ khác, đòi hỏi sự hỗ trợ rất lớn từ ngân sách nhà nước mới đảm bảo được.

Bên cạnh việc tìm đúng đối tượng để tác động, sự đồng bộ của chính sách cũng là điều rất quan trọng trong thực hiện BHXH. Theo đó, các chính sách về xóa đói giảm nghèo là các chính sách cần phải tiếp tục được thúc đẩy, thông qua tạo việc làm cho người lao động và việc làm này phải là việc làm có chất lượng, đảm bảo thu nhập, có các hỗ trợ về vấn đề vay vốn cho lao động phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế gia đình.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần thiết kế chính sách BHXH sao cho hấp dẫn hơn. Đặc biệt, cần truyền thông thay đổi tâm lý của người dân khi tham gia BHXH, nhất là trong việc đóng-hưởng.

Hoàng Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/thach-thuc-mo-rong-luoi-an-sinh-cho-lao-dong-phi-chinh-thuc-1100149.html