Thách thức và triển vọng

Thương mại điện tử (TMĐT), với tương lai rộng mở trên thị trường, là một trong những ưu tiên của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Lâm Đồng nói riêng. Và, trong cuộc chiến TMĐT, doanh nghiệp Lâm Đồng đang đối mặt với nhiều thách thức cũng như cơ hội rộng mở.

Tập huấn về TMĐT cho doanh nghiệp Lâm Đồng

Tập huấn về TMĐT cho doanh nghiệp Lâm Đồng

Thách thức từ TMĐT

Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT 2019 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam VECOM, các doanh nghiệp ở các tỉnh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong thâm nhập thị trường TMĐT. Lâm Đồng, với nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng cho thấy những khó khăn chung với hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước.

Điều khó khăn đầu tiên là doanh nghiệp Lâm Đồng hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều người đứng đầu quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng chưa ý thức được tầm quan trọng của TMĐT. Để tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp ít khi có người chuyên trách điều hành về TMĐT, đồng thời việc mua sắm trang thiết bị phục vụ TMĐT cũng chưa được đánh giá đúng mức. Các doanh nghiệp của Lâm Đồng vẫn chú trọng kinh doanh theo truyền thống, chưa nhiều đột phá trong định hướng TMĐT. Sàn TMĐT Lazada, sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam với trên 50 ngàn thành viên và đối tác nhưng có số lượng doanh nghiệp Lâm Đồng tham gia chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, theo một công bố của Lazada năm 2018 về các nhà cung cấp.

Bên cạnh đó, TMĐT phụ thuộc chặt chẽ vào khâu logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng. Lâm Đồng là một tỉnh ở khá xa các trung tâm lớn vì vậy các dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối, hoàn tất đơn hàng có thời gian dài hơn và chi phí cao hơn so với nhiều địa phương khác. Đây cũng là khó khăn cho doanh nghiệp khi tham gia TMĐT. Việc lưu kho hàng hóa của các doanh nghiệp Lâm Đồng cũng không dễ dàng, tỷ lệ hao hụt không nhỏ cũng như chi phí vận hành kho bãi cao cũng là khó khăn. Đặc biệt, việc đơn hàng không hoàn thành (hàng bị hoàn trả) khiến doanh nghiệp thiệt hại nhiều do chi phí vận chuyển cao.

Ngoài ra, còn rất nhiều khó khăn như pháp luật chưa đồng bộ, chưa chấp nhận giấy tờ hàng hóa điện tử thay cho giấy tờ truyền thống, luật an ninh mạng chưa thực sự hiệu quả… khiến doanh nghiệp còn ngại ngần với TMĐT.

Cơ hội mở rộng

HTX Mắc ca Di Linh gồm toàn bộ thành viên là nông dân trồng mắc ca và cây bơ tập hợp lại. Ngoài cung cấp tươi, HTX còn lập fanpage để bán online. HTX cho biết, hàng của HTX như bột bơ, bột mắc ca, dầu mắc ca tinh chế được bán lai rai trên mạng xã hội. Với một HTX vùng xa, việc cung cấp hàng hóa online cho thấy một bước tiến rõ rệt về mặt tư duy thâm nhập thị trường.

Cũng như HTX Mắc ca Di Linh, nhiều doanh nghiệp Lâm Đồng đã tích cực cung cấp hàng bằng phương thức TMĐT. Thậm chí, thông tin từ Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, một số doanh nghiệp chọn hẳn sang TMĐT, không bán hàng theo phương thức truyền thống mà chỉ bán online và cho kết quả kinh doanh rất thành công. Lợi thế để doanh nghiệp Lâm Đồng tham gia sân chơi TMĐT vẫn mở rộng.

Có doanh nghiệp cho biết, điểm mạnh là hàng hóa Lâm Đồng khá đặc thù. Như nhiều loại đặc sản, rau, đồ len, cà phê… mang tính riêng có của Đà Lạt, Lâm Đồng rất được người tiêu dùng tín nhiệm. Ông Trịnh Tấn Vinh, chủ thương hiệu cà phê Thuần Trịnh cho biết, ông tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ đồng thời in website lên bao bì. Khi có nhu cầu, khách hàng chỉ cần đặt qua website hoặc facebook, rất tiện lợi.

Đặc biệt, với sự chú trọng của chính quyền Lâm Đồng về xây dựng thương hiệu địa phương, danh tiếng của Đà Lạt cũng như các sản phẩm của Đà Lạt ngày càng được biết đến, tạo chỗ đứng cho hàng hóa có nguồn gốc Đà Lạt và phụ cận. Việc tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội giúp khách biết đến hàng hóa Lâm Đồng, kể cả những hàng hóa mới đưa vào sản xuất. Khách hàng trong cả nước muốn ăn đặc sản hồng sấy gió Đà Lạt, chỉ cần một cái click chuột có thể tìm được hàng chục nhà cung cấp địa phương dù hồng sấy gió là mặt hàng mới sản xuất vài năm gần đây. Lâm Đồng cũng đang tích cực xây dựng thương hiệu và điều này giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp trong TMĐT.

Các cơ quan chức năng Lâm Đồng cũng hết sức hỗ trợ doanh nghiệp tham gia TMĐT, từ cung cấp thông tin, tập huấn về TMĐT cho đến cải cách hành chính, mọi thay đổi đều hướng về một môi trường thuận lợi TMĐT. Bởi vậy, dù còn khó khăn, doanh nghiệp Lâm Đồng vẫn có nhiều cơ hội để thâm nhập thị trường TMĐT đầy tiềm năng.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201910/doanh-nghiep-lam-dong-tham-nhap-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-thach-thuc-va-trien-vong-2969650/