Thách thức với lao động nữ khu vực kinh tế tập thể trong bối cảnh chuyển đổi số

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, mang đến nhiều cơ hội đổi mới, nâng cao năng lực lao động và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Trong bối cảnh này, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) cũng không nằm ngoài xu hướng với những nỗ lực áp dụng công nghệ số vào sản xuất, quản lý và phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, lao động nữ trong khu vực KTTT đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cần sự quan tâm và hỗ trợ để họ không bị bỏ lại phía sau.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế tập thể: Xu hướng tất yếu

Khu vực KTTT đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm và cung cấp kinh tế địa phương. Trong bối cảnh chuyển đổi số, các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) đang từng bước ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành và mở rộng thị trường. Điều này bao gồm việc sử dụng nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng, áp dụng các phần mềm quản lý tài chính và nhân sự hoặc sử dụng công nghệ IoT trong quá trình sản xuất.

Tại HTX Nông lâm Nghĩa Tá (Chợ Đồn, Bắc Kạn), sản phẩm chủ lực của HTX là sản phẩm cao cấp trà hoa vàng. Đây là sản phẩm sạch, chất lượng được thu hoạch tại rừng tự nhiên, nên sản phẩm trà hoa vàng của HTX được công nhận đạt OCOP 3 sao năm 2022.

Chị Dương Khánh Ly, Giám đốc HTX, chia sẻ: "Nhận thấy xu hướng phát triển của mạng xã hội với số lượng người dùng ngày càng tăng, đây là "mảnh đất màu mỡ" để kết nối, giới thiệu sản phẩm, vì vậy tôi đã sử dụng mạng xã hội facebook để ứng dụng những lợi thế, tiện ích của nó trong việc giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm. Bên cạnh đó, tôi cũng xây dựng trang Fanpage Trà Hoa Vàng Bắc Kạn để đăng bài giới thiệu về sản phẩm".

Nhờ thế mạnh của mạng xã hội nên sản phẩm của HTX đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và gọi điện đặt hàng. Từ chỗ chỉ bán trên địa bàn tỉnh thì nay sản phẩm trà hoa vàng của HTX Nông lâm Nghĩa Tá đã được tiêu thụ tại các tỉnh thành, phố như: Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An... chủ yếu thông qua việc quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, với giá bán từ 13 đến 16 triệu đồng/kg.

Chị Dương Khánh Ly, Giám đốc HTX Nông lâm Nghĩa Tá, hướng dẫn xã viên sấy trà hoa vàng trong lò để luôn đạt năng suất, cho ra sản phẩm đảm bảo sạch, chất lượng

Chị Dương Khánh Ly, Giám đốc HTX Nông lâm Nghĩa Tá, hướng dẫn xã viên sấy trà hoa vàng trong lò để luôn đạt năng suất, cho ra sản phẩm đảm bảo sạch, chất lượng

Tới đây HTX sẽ mở rộng quy mô vùng nguyên liệu, cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm và nghiên cứu quảng bá sản phẩm trên ứng dụng Tiktok nhằm đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng, tăng giá trị cho sản phẩm trà hoa vàng. Do tính chất mùa vụ như vậy mà số lượng lao động cũng được điều chỉnh theo mùa. HTX duy trì số lượng 5-6 lao động chính, đặc biệt đến vụ lá trà thì số lượng tăng lên từ 14 đến 16 lao động với thu nhập từ 4.000.000 đến 4.500.000 đồng/tháng.

Có thể thấy, nhờ sự nhạy bén, các nữ giám đốc HTX đã và đang bắt kịp sự tiến bộ của công nghệ, xu thế phát triển của thị trường để ứng dụng trong việc giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ quảng bá sản phẩm cũng là cách để các HTX và chị em phụ nữ vùng cao đưa sản phẩm của HTX mình vươn xa hơn trên thị trường. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng số và khả năng thích ứng cao. Đây chính là thách thức lớn đối với lao động nữ, một bộ phận không nhỏ trong khu vực KTTT.

Những thách thức và giải pháp hỗ trợ lao động nữ trong khu vực KTTT

Một trong những vấn đề khó khăn lớn nhất đối với lao động nữ trong khu vực KTTT là thiếu kỹ năng số. Phần lớn phụ nữ tham gia khu vực này, đặc biệt ở các vùng nông thôn và miền núi, thường không được tiếp cận đầy đủ với giáo dục công nghệ hoặc các khóa đào tạo kỹ năng số. Đa số các lao động nữ hoặc các HTX do phụ nữ làm chủ thường nghe nhiều về truyền thông số mà ít tiếp cận các công cụ kỹ thuật số như phần mềm quản lý, thương mại điện tử hoặc máy móc tự động hóa. Hơn nữa, nhiều lao động nữ có tâm lý e ngại công nghệ, lo sợ rằng việc học hỏi và sử dụng các công cụ mới sẽ khó khăn hoặc không phù hợp với năng lực của họ. Sự thiếu tự tin này có thể khiến họ bị gạt ra ngoài các cơ hội nghề nghiệp tốt hơn trong thời đại số hóa.

Sự bất bình bình đẳng trong tiếp cận cơ hội đào tạo cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng này. Theo đó, các chương trình đào tạo kỹ năng thường được tổ chức tại các trung tâm thành phố hoặc khu vực có điều kiện kinh tế tốt hơn, do đó phụ nữ tại vùng sâu, vùng xa, thường ít có cơ hội được tiếp cận với việc đào tạo, cũng như phát huy hết khả năng nội tại của họ.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ AI như hiện nay, phụ nữ nói chung và phụ nữ trong khu vực KTTT càng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong thị trường lao động - nơi mà nhiều công việc thủ công đang dần được thay thế bởi máy móc.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương, Phó Trưởng ban Điều hành Đề án 01, chủ trì và chỉ đạo cuộc họp Ban Điều hành Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" (Đề án 01)

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương, Phó Trưởng ban Điều hành Đề án 01, chủ trì và chỉ đạo cuộc họp Ban Điều hành Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" (Đề án 01)

Để giảm bớt những hạn chế mà lao động nữ trong khu vực KTTT đang gặp phải, Hội LHPN Việt Nam cùng các cấp, các ngành đã có những giải pháp toàn diện và đồng bộ, bao gồm: tăng cường tổ chức các khóa học kỹ năng số phù hợp với lao động nữ, đặc biệt tại các địa phương sâu, vùng xa.

Đặc biệt, kể từ khi triển khai Đề án 01 "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030", Hội LHPN các cấp đã liên tục tổ chức các khóa học đào tạo về kỹ năng quản lý, làm chủ doanh nghiệp, thương mại điện tử... một cách linh hoạt về thời gian và nội dung, giúp phụ nữ dễ dàng tham gia mà không ảnh hưởng đến trách nhiệm gia đình.

Bên cạnh đó, các HTX do phụ nữ tham gia quản lý điều hành nói riêng và các HTX nói chung cần đầu tư, trang bị các thiết bị công nghệ cơ bản, đồng thời cung cấp hướng dẫn sử dụng chi tiết để lao động nữ có thể tiếp cận và áp dụng vào công việc hàng ngày. Hội LHPN các cấp cũng cần thường xuyên tổ chức các chiến dịch tuyên truyền nhằm thay đổi kiến thức trong công việc tiếp cận công nghệ, khuyến khích phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt động chuyển đổi số. Đặc biệt, việc khuyến khích phụ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo trong HTX và THT sẽ giúp họ có cơ hội định hướng và tạo dựng chiến lược phát triển mạnh mẽ cho bản thân.

Để phụ nữ trong khu vực này không bị bỏ lại phía sau, cần có sự phân phối hợp lý giữa Nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc hỗ trợ họ nâng cao kỹ năng, thay đổi tư duy và tận dụng các cơ sở thực hiện lại công nghệ. Sau khi vượt qua những rào cản hiện tại, phụ nữ không chỉ là người quan tâm đến sự phát triển của khu vực KTTT mà còn khẳng định vai trò của mình trong một xã hội hiện đại và bình đẳng.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thach-thuc-voi-lao-dong-nu-khu-vuc-kinh-te-tap-the-trong-boi-canh-chuyen-doi-so-20241123151924813.htm