Thái Nguyên cần lưu ý nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập úng cục bộ

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương để triển khai công tác ứng phó với bão số 3 (WIPHA), ngày 20-7. Cuộc họp kết nối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các xã, phường dự báo bị ảnh hưởng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên.

Tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên, tham dự có đồng chí Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo các đơn vị, xã, phường liên quan.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão WIPHA hình thành từ ngày 16-7 và chính thức đi vào biển Đông ngày 19-7, trở thành cơn bão số 3, năm 2025. Hồi 4 giờ ngày 20-7, tâm bão cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 830km về phía Đông, với sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 14, di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc. Dự báo, bão có thể đạt cấp 12, giật cấp 15 và ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong các ngày từ 21 đến 23-7.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Bão số 3 là cơn bão mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng và diễn biến nhanh, phức tạp. Đặc biệt, khu vực Tây Thanh Hóa, Bắc Nghệ An và các tỉnh miền núi như Thái Nguyên cần đặc biệt lưu ý nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập úng cục bộ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm Công điện 112/CĐ-TTg, chuẩn bị đầy đủ phương án “bốn tại chỗ”, sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời nhấn mạnh, trong mọi trường hợp, phải đặt tính mạng người dân lên hàng đầu. Nếu cần thiết, phải cưỡng chế di dời để bảo vệ an toàn cho Nhân dân. Các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong ứng phó thiên tai.

Sơ đồ diễn biến cơn bão số 3.

Sơ đồ diễn biến cơn bão số 3.

Thái Nguyên khẩn trương ứng phó cơn bão số 3

Những ngày qua, tỉnh Thái Nguyên đã chịu ảnh hưởng của mưa lớn kèm dông lốc. Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến 6 giờ ngày 20-7, toàn tỉnh ghi nhận 01 người chết, 01 người bị thương; 268 nhà bị tốc mái, 10 trường học, 13 chuồng trại và nhiều công trình công cộng hư hỏng; 40 cột điện bị đổ gãy và một cột viễn thông bị đổ. Một hộ dân tại xã Nam Cường đã phải di dời do sạt lở đất vào nhà.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão và mưa lớn, Thái Nguyên đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó. Tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, đặc biệt là khu vực ven sông, suối, vùng đồi núi dốc. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp được kiện toàn và trực 24/24 giờ để theo dõi, xử lý các tình huống khẩn cấp.

Đáng chú ý, tỉnh đã kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập thủy lợi – thủy điện trên địa bàn. Trong tổng số hơn 400 hồ chứa, nhiều hồ đang đầy nước, một số đang được sửa chữa. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa phải bố trí lực lượng trực vận hành, điều tiết hợp lý, bảo đảm an toàn hồ đập và khu vực hạ du. Công tác tiêu thoát nước được triển khai đồng bộ tại các đô thị, khu công nghiệp và vùng trũng thấp.

Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh, thông tin cảnh báo bão, mưa lớn và hướng dẫn ứng phó được cập nhật kịp thời đến người dân qua hệ thống truyền thanh, mạng xã hội, tin nhắn.

Bá Hoàng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202507/thai-nguyen-can-luu-y-nguy-co-sat-lo-dat-lu-ong-lu-quet-va-ngap-ung-cuc-bo-c001431/