Thái Nguyên có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ VHTTDL vừa đưa 2 di sản văn hóa phi vật thể 'Lễ hội Cầu mùa của người Dao Lô Gang' và 'Hát Sli của người Nùng Phàn Slình' tỉnh Thái Nguyên vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

"Hát Sli của người Nùng Phàn Slình" là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, địa bàn phân bố tại các xã Văn Hán, Hòa Bình, Minh Lập, Tân Long (huyện Đồng Hỷ cũ). Ảnh minh họa: Thu Hằng
Hát Sli gọi theo tiếng Nùng là Và sli hoặc Pây và sli, có người gọi là Đi bạn hoặc hát Ví. Sli là những bài thơ, văn vần có độ dài ngắn khác nhau, thường được thể hiện theo thể thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt, nghệ thuật, cấu tứ thường theo 3 lối phú (miêu tả, trình bày, kể lại); tỉ (so sánh); hứng (hứng khởi, lấy sự vật khêu gợi cảm xúc).
Sli được hình thành trong cuộc sống lao động, đấu tranh cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội nhằm phản ánh một cách chân thực và sinh động cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt của người Nùng, thể hiện tâm tư, tình cảm, khát vọng của con người, ca ngợi tình yêu, đôi lứa, vẻ đẹp thiên nhiên, quê hương, làng bản. Sli được người Nùng hát trong các dịp lễ hội, chợ phiên, đám cưới, mừng nhà mới hay khi bản có khách đến chơi hoặc đến bản khác chơi...
Sli trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người Nùng, người Nùng có câu nói “đêm ốm dài, đêm sli ngắn” để chỉ sự tồn tại của sli trong đời sống của mình. Đến nay chưa tìm được tài liệu ghi chép về thời điểm ra đời của sli, chỉ biết sli được người Nùng ở Đồng Hỷ bảo vệ và trao truyền một cách tự nhiên trong cộng đồng như một nhu cầu trong đời sống hàng ngày.

Nghi lễ mời các vị thần về dự lễ hội Cầu mùa của người Dao Lô Gang, Thái Nguyên. Ảnh: Đình Hưng
"Lễ hội Cầu mùa của người Dao Lô Gang" thuộc loại hình lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng đặc sắc của đồng bào Dao tại các xã Phương Giao, Phú Thượng, Thần Sa, Vũ Chấn (huyện Võ Nhai cũ).
Đây là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng người Dao. Đó là sự tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc trưng của người Dao Lô Gang, tiêu biểu là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn cộng với không gian hành lễ mang đậm màu sắc tâm linh.
Lễ hội là một tập quán xã hội, phản ánh tín ngưỡng đa thần, sự tôn kính các vị thần linh, một nghi lễ nông nghiệp với mục đích tạ ơn trời đất, các vị thần đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, vật nuôi sinh sôi, bản làng no đủ.
Không chỉ là tín ngưỡng, lễ hội Cầu mùa còn là dịp để cộng đồng người Dao thể hiện tinh thần đoàn kết, gìn giữ bản sắc văn hóa và cầu mong một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên hiện có 25 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, cùng với các địa phương khác, tỉnh Thái Nguyên vinh dự được sở hữu di sản "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.