Thanh Hóa chủ động tránh bão số 3 trên Biển Đông, ứng phó tình huống thiên tai trên đất liền
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, sáng 20/7, tâm bão số 3 đang hoạt động trên khu vực bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 700km và bão tiếp tục chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20-25km/giờ.

Bộ đội Biên phòng đôn đốc, hướng dẫn tàu cá vào nơi neo đậu an toàn.
Từ ngày 21/7, vùng biển Thanh Hóa sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8; sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11; biển động mạnh, sóng cao 2-4m. Toàn bộ tàu thuyền, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của mưa dông, gió mạnh, sóng lớn.
Khu vực ven biển tỉnh Thanh Hóa có gió tây, tây nam mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 9-10; sâu trong đất liền cấp 5, cấp 6, giật cấp 7.
Ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực giữa đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nối với cơn bão 3 (WIPHA) kết hợp với hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh, nên khu vực Thanh Hóa từ đêm ngày 20 đến ngày 22/7 có mưa vừa, mưa to, đến rất to và dông; lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi hơn 300mm.

Dông lốc chiều 19/7 làm gãy cành cây xanh ở thành phố Thanh Hóa.
, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; triển khai kiểm đếm, hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Thanh Hóa hiện còn 800 phương tiện với 3.974 lao động đang hoạt động trên biển, khoảng 174 nghìn khách du lịch đang lưu trú tại các khu du lịch ven biển, hơn 5.700 lồng bè nuôi thủy sản.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Cập nhật đầy đủ, thông tin kịp thời về tình hình thiên tai, tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân các biện pháp, kỹ năng ứng phó, nhất là gió mạnh, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.
Tổ chức rà soát, chủ động sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nhất là ở cửa sông, ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các nhà yếu không bảo đảm an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.
Chủ động thực thi các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, khu du lịch, nhà máy, hệ thống lưới điện, viễn thông, khu vực khai thác tài nguyên, khoáng sản; triển khai phương án tiêu nước, chống úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung.
Khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục những sự cố, hư hỏng của công trình đê điều; tổ chức kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện và các công trình phòng, chống thiên tai khác, đặc biệt là các vị trí xung yếu, các công trình đang hư hỏng, các vị trí đã xảy ra sự cố, sạt lở bờ sông, bờ biển, mái taluy đường giao thông trong thời gian vừa qua và các công trình đang thi công dở dang; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Điểm nguy cơ sạt lở cao trên tuyến Quốc lộ 15C lên các xã vùng cao biên giới tỉnh Thanh Hóa.
Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đã sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả của thiên tai.