Thanh Hóa Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, đội ngũ người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã phát huy tốt vị trí, vai trò trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới.

Bà Hoàng Thị Định (người đứng thứ 2 bên trái), NCUT thôn Xuân Hợp, xã Xuân Bình (Như Xuân) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế đồi rừng cho người dân.

Bà Hoàng Thị Định (người đứng thứ 2 bên trái), NCUT thôn Xuân Hợp, xã Xuân Bình (Như Xuân) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế đồi rừng cho người dân.

Thanh Hóa hiện có 1.281 NCUT ở 1.281 thôn, bản, khu phố của 183 xã, thị trấn thuộc 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi. Đội ngũ NCUT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang thể hiện tốt vai trò, đóng góp công sức của mình trong tổ chức, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn dẫn dắt, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước; tích cực vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, hưởng ứng phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc chủ quyền quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Họ thực sự là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với đồng bào DTTS; vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; tham gia xây dựng quy ước, hương ước của địa phương. Trong phát triển kinh tế, NCUT đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, là những tấm gương có ảnh hưởng tích cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương; tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi, bài trừ những phong tục, tập quán lạc hậu trong tang ma, cưới xin, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư”. Nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận nhân dân để phản ánh kịp thời tới cấp ủy, chính quyền. Tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới cao, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng DTTS và miền núi của tỉnh.

Tại huyện Như Xuân, NCUT đã phát huy vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng không ngại khó khăn, vận động nhân dân các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ông Trần Văn Hùng (70 tuổi), thôn Đức Thắng, xã Thượng Ninh được người dân tín nhiệm bầu là NCUT trong thôn năm 2012. Ông đã tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi trâu, bò để nâng cao thu nhập. Hằng năm, ông tuyên truyền đến các phụ huynh cho con em trong độ tuổi đến trường; đứng ra hòa giải những tranh chấp, xích mích, góp phần giữ gìn trật tự an ninh tại địa phương. Ông còn thường xuyên giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cho 6 hộ trong thôn khai thác 12ha keo, 3ha cao su của gia đình để cải thiện đời sống với thu nhập mỗi hộ khoảng 45 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông tìm nơi tiêu thụ sản phẩm cho người dân trong thôn, tạo thêm việc làm cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ông Hùng còn tích cực vận động người thân, bà con hiến đất, cây cối, vật liệu để mở rộng đường giao thông. Phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, gia đình ông đã tặng thôn bộ âm thanh phục vụ công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân. Ông cũng thường xuyên đến từng hộ gia đình nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng để từ đó có những kiến nghị, đề xuất kịp thời lên cấp trên. Với những cách làm thiết thực của ông đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Nhờ đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, 84 hộ dân trong thôn đã hiến hơn 800m2 đất, đóng góp ngày công, tiền của xây dựng hơn 4km đường bê tông, 4km đường điện chiếu sáng...

Không chỉ riêng ông Hùng, ở huyện Như Xuân, nhiều gia đình NCUT như: Gia đình ông Lương Quang Hợi, thôn Làng Mài, xã Bình Lương; gia đình ông Hà Văn Tịnh, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa; gia đình ông Quách Thuận Lương, thôn Mít, xã Xuân Bình... không những vươn lên làm giàu cho gia đình mình mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ gia đình khác thông qua việc hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, việc làm, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Nhờ đó, đến tháng 6-2024, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm còn 9,94%; hộ cận nghèo còn 16,03%...

Hiện nay, trên địa bàn huyện Như Xuân có 124 NCUT là người cao tuổi, bí thư chi bộ, trưởng bản, cán bộ nghỉ hưu, người sản xuất, kinh doanh giỏi, thầy thuốc... Xác định đây là đội ngũ có khả năng quy tụ, vận động, khuyến khích người dân thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết vươn lên phát triển kinh tế - xã hội... Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Như Xuân luôn quan tâm, động viên NCUT tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền đẩy lùi nạn tảo hôn; tích cực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng nông thôn mới... Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho NCUT, tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm của NCUT từ các địa phương khác...

Ông Bùi Công Bằng, dân tộc Mường, là NCUT thôn Thành Minh, xã Thành Long (Thạch Thành) đã cùng với mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, công an xã, các tổ an ninh trật tự, an toàn xã hội của thôn tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận về chính trị và tư tưởng trong đồng bào theo đạo. Ông đã tích cực tuyên truyền cho đồng bào theo đạo hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và thực hiện Chỉ thị số 10 và Đề án 375 của UBND tỉnh Thanh Hóa về công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội (ATXH) khu dân cư, toàn dân bảo vệ ANTT, ATXH; tham mưu cho chính quyền, công an xã, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị, Hội đồng Giáo xứ Vân Lung xây dựng Đề án mô hình “Xứ đạo bình yên - gia đình văn hóa”. Bên cạnh đó, ông tích cực vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Gia đình ông đã gương mẫu tự nguyện hiến 600m2 đất cho địa phương mở rộng đường giao thông; thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới đồng bào DTTS và các giáo dân...

Những đóng góp của đội ngũ NCUT đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn các huyện miền núi. Đến nay, toàn vùng đã có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa, 100% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% các xã thuộc khu vực miền núi đều có điện lưới quốc gia; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 72,8%. Hiện 11 huyện miền núi có 64 xã đạt chuẩn NTM...

Công Khanh

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/dan-voi-dang/thanh-hoa-phat-huy-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-21701