Thanh Kỳ mùa săn ong
Ở mạn đồng rừng Thanh Kỳ (tỉnh Thanh Hóa), trong cộng đồng dân tộc Thái ngày nay vẫn còn có một số người gắn với nghiệp đi rừng săn ong và các sản vật khác từ rừng. Họ lang thang triền miên từ vùng núi này đến vùng đất nọ… Trong những chuyến đi mưu sinh ấy là mồ hôi, nước mắt và có khi là bằng chính cả sinh mạng của mình.

Một tổ ong vò vẽ còn khá nhỏ.
Theo dấu chân thợ rừng
Chúng tôi tiếp cận chân đồi Đá Đen, thuộc khu vực núi Chín Tầng (thôn Đồng Lấm, xã Thanh Kỳ, tỉnh Thanh Hóa) khi mặt trời đã vào chính Ngọ. Từ chân đồi nhìn lên, tiếp giáp với vạt rừng chồi thưa là cánh rừng nguyên sinh màu lam, thâm u, trập trùng trải ngút tầm mắt. Đâu đó từ xa lắm, có tiếng thác nước đổ ầm ầm vọng lại. Muôn đời nay vẫn vậy, rừng già luôn chứa đựng trong sâu thẳm những câu chuyện vừa thơ mộng liêu trai, vừa phóng túng dữ dội. “Đi thôi” - tiếng anh Hà Văn Phúc, một trong số thợ rừng hiếm hoi ở đây còn gắn cuộc mưu sinh lặng lẽ của mình với rừng già, vang lên đanh gọn như một mệnh lệnh.
Trong cái nắng giữa trưa tháng 7, cây cối đứng rũ rượi, im lìm, trời không một gợn gió. Hơi nước ngùn ngụt bốc từ lên từ lớp lá ẩm mục phủ dày dưới nền rừng… Chưa leo qua hết vùng rừng chồi, mắt tôi đã nảy đom đóm, mồ hôi chảy thành dòng. Phía trước, đôi chân trần nhằng nhịt vết lau lách cắt của anh Phúc vẫn thoăn thoắt. Sau chừng 30 phút ngược dốc, chúng tôi dừng chân ở đỉnh mom đồi khá bằng phẳng, cỏ tranh ken dày. Tôi ném mình xuống gốc một cây cổ thụ tỏa bóng, mở chai nước đem theo tu ừng ực. Anh Phúc lặng lẽ lấy từ trong xà cột đeo bên hông một ống nhòm đen bóng, bắt đầu đưa lên mắt, quét sang bên kia đỉnh núi. Anh Phúc dừng ống nhòm lại khá lâu ở một điểm, dùng ngón tay trỏ di di vào nút zoom. Sau ít phút, anh bước đến ngồi xuống bên cạnh tôi. “Là bầy ong nhà, không phải ong rừng đâu! Phía dưới lưng chừng đồi bên kia còn có một tổ ong vò vẽ nhưng không lớn lắm, lát chúng ta sẽ cắt đồi qua bên ấy” - anh Phúc nói. Tôi ngạc nhiên vì khoảng cách chừng 400 - 500m, vậy mà anh có thể phân biệt đâu là ong rừng, đâu là ong nhà.
Đoán biết được suy nghĩ của tôi, anh Phúc giải thích, ong của những hộ dân nuôi dưới tán rừng đi lấy mật thường đi theo bầy, thân ngắn hơn ong tự nhiên, khi bay thường quện xoắn vào nhau, nhìn xa như một đám mây nhỏ. Còn ong khoái rừng khi đi lấy mật thường bay khá riêng lẻ theo từng tốp vài chục con. “Vào những ngày nắng nóng, ong thường bay xuống để lấy nước về tổ. Chỉ cần tập trung quan sát và dùng kinh nghiệm để phán đoán hướng bay sẽ tìm được tổ của chúng. Kinh nghiệm này là áp dụng chung cho tất cả các loại ong” - anh Phúc nói.

Anh Phúc dùng ống nhòm theo dấu đàn ong phía bên kia rừng.
Anh giảng giải thêm cho tôi hiểu về nghề săn ong. Trong năm, từ tháng 3 đến tháng 5 là mùa đi lấy ong mật. Vì thời điểm này, cây rừng ra hoa, kết trái vào mùa xuân, mật ong sẽ đạt chất lượng tốt nhất và cho thu nhập cao. Mỗi lít mật ong rừng có giá dao động từ 500 - 700 nghìn đồng. Từ tháng 6 đến tháng 10 thì đi bắt ong vò vẽ, ong đất. Loại này thì được thương lái thu mua cả sáp, có giá dao động từ 250 - 350 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, khi bắt ong vò vẽ, ong đất, người thợ rừng gặp rất nhiều nguy hiểm. Đầu tiên, sau khi phát hiện ra tổ, người lấy ong phải mặc đồ bảo hộ che kín từ đầu đến chân, chỉ để hở đôi mắt qua lớp lưới bảo vệ. Sau đó lấy một nắm lá cây sa nhân đỏ đốt tạo khói và hun vào miệng tổ để xua ong bay đi. Đây là loài ong khá hiếu chiến và có ý thức bảo vệ tổ rất cao, độc tính mạnh. Khi thấy bị đe dọa, chúng sẽ lao vào tấn công bất chấp và nếu bị đốt từ 3 - 5 mũi thì nạn nhân có nguy cơ bị sốt cao, thậm chí hôn mê dẫn đến tử vong.
Các thợ rừng ở đây đều có chung một quy tắc “bất thành văn”, đó là khi phát hiện ra tổ ong nhưng chưa kịp lấy, người thợ rừng chỉ cần dùng dao đánh dấu lên thân cây hoặc lèn đá thì người đến sau sẽ tự động bỏ qua, dù tổ ong có lớn đến mấy. “Điều gì khiến những người đi rừng như anh giữ quy định một cách nghiêm ngặt đến vậy?” - tôi hỏi. “Đấy là chữ tín, sự hào sảng của những người ăn đời, ở kiếp với rừng” - anh Phúc nói.
Sinh kế như sợi dây định mệnh, đã buộc đời anh với những chuyến đi săn ong vô định, dắt anh lang thang từ khu rừng này đến vùng đất khác, từ tháng này, đến năm nọ, thậm chí lên tận Điện Biên theo lời mời của một chủ rừng ở Tuần Giáo. Tổ ong mật lớn nhất anh Phúc từng lấy được nặng tới gần 40kg, tổ ong vò vẽ lớn nhất nặng hơn 30kg. Bằng kinh nghiệm, sự cần mẫn của mình, mỗi năm rừng cũng cho anh thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng. Và, anh xem đấy như sự biệt đãi của rừng với riêng anh.

Theo dấu chân thợ rừng Hà Văn Phúc.
“Ăn của rừng…”
Vừa chậm rãi uống từng ngụm nước nhỏ, anh vừa kể cho tôi nghe về “nghiệp” rừng. Cái “nghiệp” đã gắn bó và nuôi sống gia đình anh từ suốt mấy mươi năm qua.
Anh Phúc sinh năm 1972, có gốc gác tận Nghệ An, nhưng lên 9, 10 tuổi đã mồ côi cha mẹ, một mình lang thang qua đất Như Xuân xin theo chân những người thợ rừng để kiếm miếng cơm qua ngày. Cứ thế, máu đi rừng từng chút một ngấm vào người. Ngày nào không vào rừng là chân tay bứt rứt. Ngay cả khi con cái đã lớn và đều có công ăn, việc làm ổn định, không còn phải lo nghĩ nhiều đến cơm áo, vợ khuyên ngăn, anh cũng không thể bỏ được nghề rừng. Với anh, rừng là hơi thở, là sinh mạng, rời khỏi rừng là chết như cây rừng bị nhổ bật gốc.
Anh kể, trước đây, rừng còn nhiều, sản vật phong phú nên có rất nhiều người dấn thân vào vùng sơn lâm, dã thảo để kiếm miếng ăn như anh. Nhưng dần dần, từng người một phải bỏ nghề vì không kham nổi sự vất vả, cực nhọc và đầy hiểm nguy rình rập. Hơn 20 năm là thợ rừng, hơn ai hết anh và các bạn rừng thấm thía câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Đã có người chết vì sốt rét giữa rừng, người bị lũ cuốn khi vượt suối mùa mưa, người sa cây mang tật suốt đời. Mới năm ngoái thôi, cũng vào những ngày nắng như đổ lửa hôm nay, bạn anh - một thợ rừng tên Vi Văn N., quê ở Nghệ An. Trong một lần săn ong một mình ở khu vực dốc núi Thanh Vinh, thuộc xã Thanh Kỳ đã gặp nạn. Số là, khi đang trèo lên cây cao, dùng ống nhòm theo dõi bầy ong, anh N. đã bị rơi xuống đất, tử vong. 8 ngày sau, đoàn tìm kiếm mới tìm thấy.
Chúng tôi tìm đến tổ ong vò vẽ phía bên kia mái rừng khi đôi chân của tôi đã mỏi rã rời. Tổ ong còn khá nhỏ nên anh Phúc quyết định để lại. Từ phía Tây, mây đen bắt đầu vần vũ, gió thổi lật những vạt lá chuối non bên triền suối. Anh Phúc quả quyết, nếu không nhanh chóng vượt suối, rất có thể chúng tôi sẽ bị kẹt lại giữa rừng già vì cơn giông đang sầm sập kéo đến. “Có lẽ cũng đến lúc mình phải nói lời giã biệt với cái nghề này thôi, hết sức bươn bả theo những bầy ong rồi. Giờ quay về cùng vợ chăm sóc tốt hơn 2ha rừng keo chắc cũng đủ sống giữa đại ngàn” - anh Phúc nói với tôi mà như đang nói tạ từ với rừng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thanh-ky-mua-san-ong-10310724.html