Thành phố cổ đại Valeriana bị lãng quên tại Mexico
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra hàng nghìn công trình kiến trúc Maya cổ đại chưa từng được biết đến ở Nam Mexico, trong đó bao gồm thành phố bí ẩn Valeriana với những kim tự tháp ấn tượng.
Di tích Maya mới ở Campeche
Một báo cáo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Antiquity hồi cuối tháng 10 cho hay, nhờ vào công nghệ cảm biến laser, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một thành phố của người Maya cổ đại bị che phủ bởi rừng rậm ở phía Nam Mexico. Thành phố này sau đó được đặt tên là Valeriana, nằm cách biên giới với Guatemala khoảng 35km.
Nhà nghiên cứu Adriana Velázquez Morlet thuộc Viện Nhân chủng học và Lịch sử quốc gia Mexico, đồng tác giả của báo cáo cho biết: "Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, một phần lớn tiểu bang Campeche ngày nay là nơi ở của người Maya cổ đại. Bây giờ, nghiên cứu này cho thấy rằng, khu vực ít được biết đến này còn là một khu đô thị hóa bậc nhất của người cổ đại". Khoảng 6.479 công trình đã được phát hiện trong bản đồ LiDAR bao phủ một khu vực rộng khoảng 122 km vuông. Những hình ảnh thu được từ bản đồ LiDAR cho thấy một loạt các khu định cư Maya dày đặc và đa dạng trước đây chưa được biết đến nằm rải rác khắp khu vực, bao gồm cả thành phố Valeriana.
"Khu vực đô thị lớn" này bao gồm hai trung tâm kiến trúc hoành tráng lớn cách nhau hơn gần 2km, được kết nối bởi khu định cư dày đặc liên tục. Khu vực lớn hơn trong hai khu vực hoành tráng của thành phố Valeriana có "tất cả các đặc điểm" của một thủ đô chính trị Maya cổ điển gồm nhiều quảng trường khép kín được kết nối bằng một con đường đắp cao rộng, các kim tự tháp, đền thờ, một sân bóng và một hồ chứa nước… cùng một số đặc điểm khác.
Theo tiết lộ của nhà nghiên cứu Adriana Velázquez Morlet, khám phá này bắt nguồn từ việc các nhà nghiên cứu sử dụng phần mềm bản đồ LiDAR để kiểm tra lại cuộc khảo sát bằng laser có tên là Alianza do một tổ chức Mexico thực hiện để giám sát môi trường, giảm phát thải từ nạn phá hoại và suy thoái rừng. Và trong khi kiểm tra lại dữ liệu, Luke Auld-Thomas, một nghiên cứu sinh của Đại học Bắc Arizona (Mỹ) đã nhìn thấy những gì mà những người khác bỏ lỡ - một thành phố cổ khổng lồ có thể là nơi sinh sống của 30.000-50.000 người vào thời kỳ đỉnh cao từ năm 750 đến năm 850 sau Công nguyên.
"Tôi đang ở trang 16 của tìm kiếm trên Google và đọc được kết quả cuộc khảo sát Alianza", Luke Auld-Thomas kể và cho hay ông thấy những hình ảnh lờ mờ lạ kỳ nên ngay lập tức xử lý dữ liệu bằng các phương pháp mà các nhà khảo cổ học từng sử dụng. Cuối cùng, kết quả kiểm tra của ông cho ra một cảnh quan kiến trúc đô thị và cơ sở hạ tầng nông nghiệp phức tạp, cho thấy có nhiều bằng chứng hơn về những đô thị của người Maya ở phía Nam bán đảo Yucatán, bao gồm một số khu vực của Guatemala, Belize ngày nay và các tiểu bang Campeche và Quintana Roo của Mexico. Khu vực này, đặc trưng bởi các khu rừng nhiệt đới, đồng bằng đá vôi và đất ngập nước theo mùa, là trung tâm cốt lõi của nền văn minh Maya cổ đại, đặc biệt là trong thời kỳ cổ đại (năm 250 đến năm 900 sau Công nguyên).
"Phân tích của chúng tôi không chỉ tiết lộ bức tranh về một khu vực có nhiều khu định cư mà còn tiết lộ rất nhiều sự thay đổi. Chúng tôi không chỉ tìm thấy các khu vực nông thôn và các khu định cư nhỏ hơn mà còn thấy một thành phố lớn có các kim tự tháp ngay cạnh xa lộ duy nhất của khu vực, gần một thị trấn nơi người dân đã tích cực canh tác giữa các tàn tích trong nhiều năm. Chính phủ không bao giờ biết về điều đó; cộng đồng khoa học không bao giờ biết về điều đó. Vẫn còn rất nhiều điều cần khám phá", Luke Auld-Thomas nói và cho biết thêm rằng, nếu công trình này có niên đại từ năm 250 đến năm 900 sau Công nguyên thì các khu định cư có thể đã bắt đầu sớm hơn 100 năm. Mật độ dân cư ở thành phố Valeriana có vẻ khá đông và có thể đứng thứ hai về dân số người Maya cổ đại sinh sống (chỉ sau Calakmul - thành phố cổ Maya lớn nhất ở châu Mỹ Latinh).
Nói thêm về khám phá mới này, Giáo sư Marcello Canuto của Đại học Tulane cho biết, dữ liệu mở rộng mà Viện Nhân chủng học và Lịch sử quốc gia Mexico thu thập được cùng những gì mà các nhà khoa học đã biết về lịch sử chính trị và tôn giáo "cho phép chúng tôi kể những câu chuyện hay hơn về người Maya cổ đại với các chi tiết mới về cách thức vận hành của nền văn minh này".
Công nghệ cảm biến laser
Từ những năm 1940, các nhà khảo cổ học đã biết rằng, người Maya thời kỳ cổ đại đã biến vùng đất nội địa gồ ghề của tiểu bang Campeche của Mexico thành một khu vực đông dân và được thiết kế rộng rãi. Nhưng một số khu vực, chẳng hạn như miền Đông Campeche lại ít nhận được sự chú ý. Đối với nghiên cứu mới nhất, nhà nghiên cứu Luke Auld-Thomas quyết định tập trung vào những điểm này. Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu LiDAR cung cấp trong một khu vực rộng khoảng 80km2 ở phía Đông Campeche mà trước đây các nhà khảo cổ học chưa từng kiểm tra. "Các nhà khoa học về sinh thái học, lâm nghiệp và kỹ thuật dân dụng đã sử dụng các cuộc khảo sát LiDAR để nghiên cứu cho các mục đích hoàn toàn riêng biệt", Luke Auld-Thomas viết trong báo cáo.
Trong những năm gần đây, LiDAR đã nổi lên như một công cụ mạnh mẽ trong kho "vũ khí" của các nhà khảo cổ học, có khả năng ghi lại toàn bộ cảnh quan với độ chi tiết nhỏ nhất ngay cả dưới tán rừng rậm rạp. LiDAR liên quan đến việc sử dụng các tia laser bắn xuống mặt đất (thường là từ máy bay) để tạo ra các mô hình 3D của một cảnh quan nhất định. Phương pháp này có thể lập bản đồ địa hình của vùng đất đồng thời cũng tiết lộ các đặc điểm nhân tạo ẩn giấu, rất khó phát hiện chỉ thông qua công việc thực địa truyền thống hoặc hình ảnh vệ tinh. LiDAR đặc biệt hữu ích để khảo sát các khu rừng nhiệt đới rậm rạp, nơi thảm thực vật dày có thể che khuất các tàn tích cổ đại.
Đầu năm 2023, một nghiên cứu sử dụng công nghệ LiDAR cũng đã phát hiện gần 1.000 khu định cư của người Maya cổ đại, trong đó có 417 thành phố chưa từng được biết đến trước đây, có kết nối với hệ thống nhiều khả năng là đường cao tốc đầu tiên trên thế giới. Những công trình này đã "ẩn mình" hàng thiên niên kỷ do mật độ rừng dày đặc ở phía Bắc Guatemala và miền Nam Mexico. Khi đó, các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên cứu nhân chủng học FARES tại Guatemala đã chiếu tia laser vào các vùng rừng rậm, phân tích bóc tách thảm thực vật và lập bản đồ các cấu trúc cổ xưa bị những tán cây rừng che phủ.
Trong số các chi tiết được phát hiên lúc đó, các nhà khoa học đã thấy bằng chứng về hệ thống "đường cao tốc hoặc siêu cao tốc" bằng đá lớn lần đầu tiên trong thế giới cổ đại, với chiều dài khoảng 110 km, rộng 40m và nền đường được tôn cao 5m so với mặt đất. Và khi kết hợp nghiên cứu này trong dự án nghiên cứu lưu vực đá vôi Mirador-Calakmul, kéo dài từ rừng Peten ở miền Bắc Guatemala cho đến bang Campeche, miền Nam Mexico, các nhà khoa học còn phát hiện được các kim tự tháp, sân bóng với hệ thống cấp nước quan trọng gồm có hồ chứa nước, đập và kênh mương tưới tiêu… Đây là cơ sở hạ tầng của người Maya có từ cách đây khoảng 3.000 năm, trong một khu đô thị lớn được gọi tên là El Mirador.
Tất cả các kiến trúc này được xây dựng trong nhiều thế kỷ trước khi các bang lớn nhất của người Maya (mỗi bang tương ứng với một thành phố) xuất hiện, khai mở những thành tựu lớn của nhân loại trong lĩnh vực toán học và chữ viết. Những phát hiện này sau đó đã được đăng tải trên tạp chí Ancient Mesoamerica.
Người Maya thuộc nhóm các dân tộc bản địa châu Mỹ của Trung Bộ châu Mỹ. Văn minh Maya cổ đại được hình thành bởi nhiều dân tộc thành viên của nhóm này và người Maya ngày nay nói chung chính là hậu duệ của những người tạo dựng nên nền văn minh lịch sử đó. Mỗi dân tộc Maya đều có truyền thống, văn hóa và bản sắc lịch sử cụ thể của riêng từng nhóm.
Thống kê dân số ước tính rằng, vào đầu thế kỷ 21, có 7 triệu người Maya sinh sống ở các quốc gia đang duy trì nhiều tàn tích của người Maya như: Guatemala, miền Nam Mexico và bán đảo Yucatán, Belize, El Salvador và miền Tây Honduras. Một số dân tộc Maya hiện đã đồng hóa hoàn toàn vào các nền văn hóa bị Tây Ban Nha hóa ở các quốc gia nơi họ cư trú. Tuy nhiên, cũng có nhiều cộng đồng người Maya vẫn tiếp tục bám trụ với lối sống truyền thống bao đời nay.