Thành phố Hồ Chí Minh: Định hình đầu mối đường sắt phía Nam

Bộ Giao thông - Vận tải vừa công bố Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19-10-2021). Theo đó, thành phố Hồ Chí Minh được định hình là đầu mối trung tâm mạng lưới đường sắt khu vực phía Nam, với các tuyến đường sắt đến khu vực Đông, Tây Nam Bộ và vươn lên Tây Nguyên.

Hệ thống đường sắt của thành phố Hồ Chí Minh sẽ được nối đến khu vực Đông, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.

Hình thành 3 tuyến mới

Theo Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đến năm 2030, ngành Đường sắt sẽ có 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362km. Trong đó, bên cạnh tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh) có tổng chiều dài 1.545km, khu vực phía Nam sẽ có 3 tuyến đường sắt mới khổ 1,435m, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ (từ ga An Bình đến ga Cái Răng), chiều dài khoảng 174km; thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh (từ ga Dĩ An đến điểm nối ray biên giới Việt Nam - Campuchia), chiều dài 128km và tuyến Thủ Thiêm - Long Thành (từ ga Thủ Thiêm đến Cảng Hàng không quốc tế Long Thành), chiều dài khoảng 38km. Phần lớn các tuyến này được quy hoạch xây dựng thành đường sắt tốc độ cao, hạn chế giao cắt với đường bộ.

Đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến có chiều dài 6.354km, với nhiều tuyến liên kết vùng. Khu vực phía Nam sẽ có thêm các tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh; đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên... Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, với quy hoạch trên, trong tương lai, các tuyến đường sắt sẽ được kết nối đồng bộ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Về phía người dân, chị Nguyễn Ánh Tuyết (quê huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đang là công nhân Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) chia sẻ: “Vào những ngày lễ, Tết, việc đi lại bằng đường bộ của người dân miền Tây đều quá tải cả ở bến xe và đường bộ. Nếu có hệ thống đường sắt từ thành phố Hồ Chí Minh về miền Tây, sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người dân”.

Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) Vũ Quang Khôi cho biết, thành phố Hồ Chí Minh sẽ là đầu mối lớn cho đường sắt khu vực phía Nam. Cụ thể, ga Sài Gòn sẽ là điểm cuối tuyến đường sắt Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, ga Thủ Thiêm sẽ là điểm cuối tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Các tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh sẽ được kết nối với tuyến đường sắt quốc gia. Sau khi hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đoạn đường sắt Bình Triệu - thành phố Hồ Chí Minh (Hòa Hưng) sẽ được chuyển thành đường sắt đô thị nối ga Thủ Thiêm với Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Huy động tối đa nguồn lực xã hội

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn Đào Anh Tuấn cho hay, hiện mạng lưới đường sắt khu vực phía Nam không có tuyến nào kết nối với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên; đường sắt chủ yếu vẫn duy trì khổ đường 1m, tốc độ chạy hạn chế… Do đó, khi hệ thống đường sắt được xây dựng đồng bộ sẽ kết nối các tỉnh, thành phố, tăng lưu lượng giao thông vận tải toàn vùng, giúp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực phía Nam.

Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh, để có vốn xây dựng các tuyến đường sắt nêu trên, Bộ Giao thông - Vận tải cùng chính quyền các địa phương cần xây dựng chính sách khuyến khích, tạo cơ chế thông thoáng nhằm huy động tối đa nguồn lực ngoài xã hội. Trong đó, cần tạo điều kiện cho các địa phương tham gia với vai trò là đại diện chủ đầu tư để phát huy tốt nhất nguồn lực địa phương.

Về phía thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình thông tin, trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2030, thành phố xác định xây dựng gần 212km đường sắt; ưu tiên mời gọi, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời, huy động từ nguồn vốn ngân sách thành phố, trung ương, vốn vay ODA, vốn doanh nghiệp…

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với các dự án đường sắt mới ở phía Nam, đặc biệt là tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, sẽ là dự án rất quan trọng, được người dân phía Nam, nhất là hơn 20 triệu người dân khu vực miền Tây Nam Bộ mong chờ. Hiện dự án này chưa thu xếp được nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, dự án sẽ được nghiên cứu để khi có nguồn vốn là khởi công ngay. Bộ cũng đã đề xuất với Chính phủ cơ chế huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước như vốn ODA, vốn các nhà đầu tư, vốn xã hội hóa để sớm có nguồn lực thực hiện quy hoạch này.

Hà Phạm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1018398/thanh-pho-ho-chi-minh-dinh-hinh-dau-moi-duong-sat-phia-nam