Tháo gỡ khó khăn về thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm
Ngày 13-12, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo một số tồn tại, bất cập trong triển khai thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm.
Tại hội thảo, các đại biểu đều rằng, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007. Qua thực tiễn 18 năm thi hành, đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được nâng lên cả chất và lượng. Tuy nhiên, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo mới đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới. Ngoài ra, chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số tổ chức, doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) mang tính chất đối phó, không đi vào thực chất của tiêu chuẩn là nhằm bảo đảm an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng... Chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở, khiến việc tra cứu, áp dụng tiêu chuẩn đối với các đối tượng có nhu cầu, như doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn...
Theo Bộ NN&PTNT, thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật từ năm 2006, đến nay, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đã có 1.359 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và 114 quy chuẩn quốc gia. Trong đó, tất cả nhóm sản phẩm hàng hóa thuộc “Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn” và 11 nhóm hàng hóa thuộc “Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành” thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT đều đã có quy chuẩn quốc gia và TCVN để quản lý.
Các đại biểu đề nghị, cần sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trên tinh thần xác định phương pháp quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa sao cho phù hợp với tình hình hiện nay. Cần khẩn trương đưa các tổ chức đánh giá sự phù hợp thuộc sở hữu Nhà nước thành các công ty cổ phần, nhằm bảo đảm công bằng giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp sở hữu tư nhân với các tổ chức đánh giá sự phù hợp sở hữu Nhà nước…