Thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh: Tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVII, sáng 11/12, HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại hội trường. Các đại biểu HĐND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí có những khó khăn được đánh giá chưa từng có tiền lệ. Cơ bản đồng tình với các báo cáo của UBND tỉnh trình tại kỳ họp, tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển trong những năm tiếp theo.
Gợi ý thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Quang Tiến đề nghị các đại biểu tập trung vào các nội dung trọng tâm về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhiệm vụ năm 2025; báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, kế hoạch năm 2025; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng...
Trong đó, cần tập trung đánh giá, làm rõ những khó khăn, hạn chế đối với phát triển kinh tế - xã hội; việc giải ngân vốn đầu tư còn thấp; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm...
Đối với nhiệm vụ năm 2025, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Quang Tiến đề nghị các đại biểu nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển; giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng thu ngân sách Nhà nước; công tác giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng hoạt động các ban của HĐND tỉnh; các mức chi hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư; mức chi cho các đối tượng chính sách…
Quan tâm đến những mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cả nhiệm kỳ 2025 - 2030, đại biểu Nguyễn Văn Huyến, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị thành phố Phúc Yên đề nghị UBND tỉnh tiếp tục xử lý các tồn tại trong giải quyết thủ tục hành chính, các vướng mắc về đất đai.
Nhấn mạnh Vĩnh Phúc là điểm sáng về giáo dục của cả nước nhưng chỉ tiêu tuyển dụng vào lớp 10 công lập của tỉnh hiện nay còn thấp, đại biểu Nguyễn Văn Huyến đề nghị tỉnh cần có những cơ chế riêng để thúc đẩy sự phát triển của ngành Giáo dục như tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập; quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho các nhà trường; có chính sách hỗ trợ đội ngũ giáo viên.
Lấy dẫn chứng nhiều năm qua, với mức giá dịch vụ kỹ thuật y tế trong các đơn vị công lập chưa được tính đủ chi phí, mỗi lần tăng lương chưa được bù giá kịp thời, mức lương của ngành Y tế còn thấp, tiền trực đêm của nhân viên đã hơn 10 năm chưa được điều chỉnh... đại biểu Lê Hồng Trung, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị thành phố Vĩnh Yên cho rằng: Đầu tư của tỉnh cho thiết bị y tế còn rất khiêm tốn, các cơ sở y tế thiếu thiết bị hiện đại, chuyên sâu, phải sử dụng nhiều thiết bị cũ, thô sơ, đơn giản, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, những khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao, tuyển dụng còn hạn chế… là những nguyên nhân căn bản làm hạn chế sự phát triển của ngành Y tế.
Để giải quyết những khó khăn này, đại biểu Lê Hồng Trung đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế; tăng cường tuyển sinh và đào tạo đủ nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y khoa để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho các cơ sở y tế của tỉnh; có chính sách đặc thù xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực y tế…
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về nguyên nhân việc thu ngân sách chưa hoàn thành dự toán trong năm 2024; giải pháp nào để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành kế hoạch được giao.
Nêu quan điểm cần làm rõ nguyên nhân khiến thu ngân sách Nhà nước không đạt chỉ tiêu, đại biểu Đỗ Thị Ngọc Hân, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Tam Dương đề nghị UBND tỉnh phân tích, làm rõ nguyên nhân, đồng thời có các giải pháp mang tính quyết liệt, nhất là cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng - một trong những nút thắt ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Cho rằng mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/1/2025 đạt 95% là rất khó khăn, đại biểu Lê Đăng Tâm, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Sông Lô đề nghị tỉnh nghiên cứu, có văn bản hướng dẫn dưới luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo tiền đề để các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành mục tiêu được giao.
Giải trình làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Quang cho biết: Trong 10 tháng năm 2024, Vĩnh Phúc đứng thứ 21/63 tỉnh, thành và thứ 3 khu vực đồng bằng sông Hồng về giải ngân vốn đầu tư công.
Tính đến ngày 10/12, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 67% chỉ tiêu Chính phủ giao và ước cả năm là 95%. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là vướng mắc về đất đắp nền cho các dự án.
Làm rõ nguyên nhân năm 2024 Vĩnh Phúc không hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lê Văn Phúc cho biết do thu ngân sách của tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào 2 doanh nghiệp lớn là Công ty Toyota Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam, nhưng trong năm, hoạt động của các công ty này gặp khó khăn, số thu giảm nên thu nội địa của tỉnh cũng giảm theo.
Bên cạnh đó còn do chính sách miễn giảm, gia hạn thuế của Chính phủ khiến Vĩnh Phúc hụt thu.
Tuy nhiên, từ cuối quý III/2024 đến nay, hoạt động sản xuất của 2 doanh nghiệp này có sự khởi sắc nên chắc chắn thu nội địa của tỉnh sẽ vượt trên 25.025 tỷ đồng để bù đắp hụt thu ngân sách.
Giải trình thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh các nguyên nhân khiến GRDP của tỉnh chưa cao là do không gian, động lực phát triển, nhất là tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động của tỉnh chưa cao; công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án phát triển công nghiệp còn chậm; giá thuê đất khu công nghiệp còn cao.
Cùng với đó, vị trí địa lý không còn là ưu thế trong thu hút đầu tư; các động lực cho tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động chưa cao; khu vực FDI được xác định là động lực cho tăng trưởng nhưng chưa tạo được sức lan tỏa; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính... của tỉnh có xu hướng giảm.
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cho biết, tỉnh sẽ cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, nhất là các dự án giao thông, cảng cạn, tạo sức cạnh tranh; tập trung đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, phát triển các dự án mới.
Đồng chí Trần Duy Đông cho biết, UBND tỉnh đã phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn và tới đây sẽ thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực này.
Đối với mảng giáo dục, y tế, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2025 - 2030 cho lĩnh vực giáo dục, bảo đảm trang thiết bị dạy và học đồng bộ, hiện đại cho các cấp học.
Tăng cường đầu tư cho lĩnh vực y tế, nhất là y tế tuyến dự phòng, bảo đảm trẻ em, người dân được tiêm phòng đủ mũi, đúng thời gian quy định; có chính sách để tuyển dụng, giữ chân đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn giỏi; có cơ chế để cán bộ, y, bác sĩ yên tâm gắn bó với nghề.
Về giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, công tác đấu giá đất...
Đồng thời sẽ cương quyết không bố trí vốn cho các dự án cậm hoặc không có khả năng hoàn thành; tăng cường xử lý các hành vi nhũng nhiễu; nâng cao chất lượng các công trình, dự án đầu tư công.