Thắt chặt quy chuẩn phát thải mang lại hiệu quả cải thiện chất lượng không khí

Ô nhiễm không khí đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, trước sự ảnh hưởng đó, chính quyền và các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực môi trường cũng đã chỉ ra những nguyên nhân để từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục tình trạng đó. Trong số đó, phát thải của các phương tiện giao thông, sản xuất năng lượng… là một trong những nguồn đóng góp vào ô nhiễm không khí.

Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) ô nhiễm không khí là mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe, 3 triệu người chết hàng năm do ô nhiễm không khí xung quanh; 90% dân số thế giới sống trong không khí vượt mức khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới.

Phát thải của các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân ô nhiễm không khí

Phát thải của các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân ô nhiễm không khí

Bên cạnh đó, báo cáo của WorldBank 2016 cho biết cứ 10 người chết thì có 1 người chết do ô nhiễm không khí, ô nhiễm không khí làm thiệt hại cho nền kinh tế thế giới khoảng 5,11 nghìn tỷ đô la tổn thất phúc lợi. Tổn thất phúc lợi ở Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương tương ứng 7,4% và 7,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực.

Ở Việt Nam, các cơ quan, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, cộng đồng các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng đã có nhiều công bố liên quan đến chất lượng không khí và tác động, thiệt hại do suy giảm chất lượng không khí, ô nhiễm không khí gây ra. Các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận cộng đồng dân cư cũng liên tục phản ánh những bức xúc, những dấu hiệu đáng lo ngại về ô nhiễm không khí xảy ra ở nhiều nơi.

Trước sự ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, chính quyền thành phố Hà Nội và các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực môi trường cũng đã chỉ ra những nguyên nhân để từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục tình trạng đó.

Trong đó có nguyên nhân ô nhiễm không khí đến từ phát thải của các phương tiện giao thông… Giáo sư Hoàng Xuân Cơ (Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên) cho biết phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm. Những người đi xe máy, ô tô, mỗi ngày họ đi hàng chục kilômét, thậm chí hàng trăm kilômét, nhân lên sẽ gây ra lượng khí thải rất lớn.

“Chúng ta không chỉ là nạn nhân mà chính chúng ta cũng là thủ phạm gây ô nhiễm. Bạn dùng điện, điện từ đâu? Điện từ than, điện than gây ô nhiễm. Một ngày gia đình bạn dùng bao nhiêu số, nhân lên với hệ số phát thải thì bạn sẽ biết gia đình mình mỗi ngày đóng góp vào hệ số phát thải là bao nhiêu!”, Giáo sư Cơ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó trong nghiên cứu về tác động của nhiệt điện than tới ô nhiễm không khí và sức khỏe tại Việt Nam do Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ (Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), Lauri Myllyvirta, chuyên gia nghiên cứu ô nhiễm không khí, Trung tâm nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch (CREA), nhóm tác giả ở Đại học Harvard cùng Trung Tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã cho thấy sản xuất năng lượng là một trong những nguồn đóng góp vào ô nhiễm không khí.

Cụ thể, năm 2016 nghiên cứu “Gánh nặng bệnh tật từ tăng phát thải các nhà máy nhiệt điện than ở vùng Đông Nam Á” của nhóm tác giả thuộc các trường Đại học Harvard, Colorado Mỹ, tổ chức Quốc tế Hòa bình xanh Phần Lan đã có nhiều nội dung liên quan đến phát triển nhiệt điện than vùng Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Theo đó năm 2011 có 4.250 ca tử vong sớm do nhiệt điện than. Năm 2030 (theo Quy hoạch Điện VII) có 19220 ca tử vong sớm, sự thay đổi công suất nhiệt điện than có tác động lớn tới lượng phát thải và nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí. Với kế hoạch phát triển nhiệt điện than tới năm 2030 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, lượng phát thải các chất gây ô nhiễm không khí (SO2, NOx, bụi) sẽ tăng lên khoảng 4 – 4,7 lần so với các nhà máy đang vận hành năm 2017. Nồng độ PM2.5 trung bình năm theo trọng số dân số cũng tăng khoảng 4 lần.

Như vậy, việc áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả kết hợp với năng lượng tái tạo để giảm nhiệt điện than giúp cải thiện chất lượng không khí. Thắt chặt tiêu chuẩn/quy chuẩn phát thải là giải pháp căn cơ mang lại hiệu quả cải thiện chất lượng không khí đáng kể, giúp giảm 78 – 95% lượng phát thải SO2, NOx, bụi, và 85% nồng độ PM2.5 trung bình năm theo trọng số dân số vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

N. Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/that-chat-quy-chuan-phat-thai-mang-lai-hieu-qua-cai-thien-chat-luong-khong-khi-112828.html