Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư có tâm trạng khó tả trong những tuần cuối năm

VN-Index rơi 20 điểm; Nới room tín dụng, nhìn từ phía người vay; Những biến số quyết định dòng tiền; Vốn ngoại mua ròng và nỗi 'tiếc nuối' cho F0; Động lực từ thị trường Trung Quốc; Các ngân hàng trung ương bắt đầu tạm dừng tăng lãi suất…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 12/12 giảm 100.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày đã tăng trở lại 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,40 – 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần trước tại Mỹ tăng 8,4 USD lên mức 1.797,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về gần 1.785 USD, trước khi hồi phục lên trên 1.790 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,88 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.655 đồng/USD, giảm 2 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.560 – 23.840 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên về gần 17.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã suy yếu nhẹ và về gần 16.900 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,29 USD (-0,41%), xuống 70,73 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,43 USD (-0,57%), xuống 75,67 USD/thùng

VN-Index đảo chiều giảm mạnh

Diễn biến tích cực của dòng bank và chứng khoán cùng sự nổi dậy của các nhóm thủy sản, vận tải và đầu tư công, đã giúp VN-Index giành lại mốc 1.060 điểm.

Tuy nhiên, bước sang phiên chiều, thị trường dần hạ độ cao khi áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip. Trong khi lực cầu chỉ tham gia nhúc nhắc đã khiến thị trường ngày càng giảm sâu và để rơi gần 20 điểm về gần 1.030 điểm khi đóng cửa.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 9,3 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 341,46 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 12/12: VN-Index giảm 19,74 điểm (-1,88%), xuống 1.032,07 điểm; HNX-Index giảm 6,46 điểm (-2,98%), xuống 210,53 điểm; UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,14%), xuống 71,5 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm trong phiên ngày thứ Sáu (9/12), với nỗi lo dai dẳng về việc Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất.

Thị trường thận trọng trước khi bước vào tuần mới khi sẽ có dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và cuộc họp của Fed và dự báo biên độ tăng lãi suất có thể nhỏ hơn so với 4 lần nâng lãi suất trước đó, nhưng thị trường vẫn lo lắng liệu Fed có đưa ra kế hoạch hạ cánh cứng và ngăn chặn một cuộc suy thoái hay không.

Tính chung cả tuần qua, Dow Jones mất 2,77%, S&P 500 sụt 3,37%, trong khi Nasdaq giảm 3,99%.

Kết thúc phiên 9/12, chỉ số Dow Jones giảm 305,02 điểm (-0,90%), xuống 33.476,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 29,13 điểm (-0,73%), xuống 3.934,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 77,39 điểm (-0,70%), xuống 11.004,62 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do ngại rằng Fed có thể giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,21% xuống 27.842,33 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,22% xuống 1.957,33 điểm.

Phiên này, cổ phiếu của gã khổng lồ thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron giảm 0,98% và là lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225, lấy đi 15 điểm của chỉ số. Cổ phiếu lớn Fast Retailing “góp” thêm 9 điểm tiêu cực với mức giảm 0,31%.

Cổ phiếu của Nhà bán lẻ trực tuyến Rakuten Group giảm lớn nhất, mất 3,35%. Nintendo và Sony cũng là những cổ phiếu tụt hậu đáng chú ý, lần lượt giảm 0,56% và 0,32%.

Trong khi hầu hết các lĩnh vực phụ của Nikkei 225 đều giảm, thì năng lượng tăng 0,3% trong bối cảnh giá dầu thô tăng, tiêu dùng tăng 0,17%, tài chính tăng 0,15% nhờ lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ cao hơn, trong khi tiện ích tăng 0,14%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi các nhà đầu tư lo ngại rằng các ca nhiễm Covid-19 gia tăng có thể làm gián đoạn tiêu dùng và sản xuất, trong khi sự không chắc chắn về chính sách tiền tệ ở bên ngoài cũng khiến tâm lý thị trường giảm bớt.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,87% xuống 3.179,04 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,12% xuống 3.953,44 điểm.

Sau khi Trung Quốc thực hiện một bước ngoặt lớn đối với việc mở cửa kinh tế trở lại vào tuần trước, ngày càng có nhiều lo ngại rằng, các ca lây nhiễm Covid-19 có thể tăng đột biến và gây ra nhiều gián đoạn hơn nữa.

Trong khi đó, người dân Trung Quốc xếp hàng bên ngoài nhiều phòng khám tại một số bệnh viện ở thành phố để test Covid-19, một dấu hiệu mới cho thấy các triệu chứng lây lan nhanh chóng.

Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley, cho biết: “Khó khăn ngắn hạn trong quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể là không thể tránh khỏi, đặc biệt là về phía người tiêu dùng, nhưng sự phục hồi sau đó sẽ sớm hơn và mạnh mẽ hơn”.

Chứng khoán Hồng Kông giảm khá mạnh, do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ và bất động sản Đại lục.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,2% xuống 19.463,63 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 3,01% xuống 6.628,30 điểm.

Cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản Đại lục và những gã khổng lồ công nghệ được giao dịch ở Hồng Kông đã giảm hơn 4% do áp lực chốt lời, khi cả hai lĩnh vực này đều tăng hơn 30% trong tháng 11.

Phiên này, cổ phiếu Country Garden Services Holdings Co, Ltd đã giảm 17%, dẫn đến sự sụt giảm của các công ty bất động sản Đại lục niêm yết ở Hồng Kông, sau khi cho biết chủ tịch Yang Huiyan đã bán cổ phiếu.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do giới đầu tư thận trọng trước các cuộc họp lãi suất và công bố dữ liệu ở các nước lớn.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 16,02 điểm, tương đương 0,67% xuống 2.373,02 điểm.

Cổ phiếu của các khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,49% và SK Hynix mất 0,49%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 2,52%.

Kết thúc phiên 12/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 58,68 điểm (-0,21%), xuống 27.842,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 27,91 điểm (-0,87%), xuống 3.179,04 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 437,24 điểm (-2,20%), xuống 19.463,63 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 16,02 điểm (-0,67%), xuống 2.373,02 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nới room tín dụng, nhìn từ phía người vay

Đầu tuần trước, room tín dụng trong hệ thống đã được nới. Nhà điều hành cho biết, tăng thêm hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng để tạo thêm dư địa cho vay những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế…>> Chi tiết

- Những biến số quyết định dòng tiền

Những tuần cuối năm, nhiều nhà đầu tư có tâm trạng khó tả, đặc biệt sau nhịp hồi mạnh tới 25% của VN-Index kể từ giữa tháng 11..>> Chi tiết

- Vốn ngoại mua ròng và nỗi "tiếc nuối" cho F0

Động thái mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong tháng 11 đã góp phần không nhỏ vào việc nâng đỡ thị trường chứng khoán..>> Chi tiết

- Động lực từ thị trường Trung Quốc

Việc Trung Quốc nới lỏng biện pháp phòng dịch dấy lên hy vọng nhu cầu kìm nén được giải phóng của nước này sẽ giúp cân bằng yếu tố tiêu cực từ nhu cầu suy yếu của các quốc gia phương Tây..>> Chi tiết

- Các ngân hàng trung ương bắt đầu tạm dừng tăng lãi suất

Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang tạm dừng hoặc sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất khi lạm phát có dấu hiệu chậm lại và lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-nha-dau-tu-co-tam-trang-kho-ta-trong-nhung-tuan-cuoi-nam-post311794.html