Thị trường Trung Quốc 'hút hàng', nhà máy dừa trong nước lại gặp nghịch cảnh

Nhiều doanh nghiệp chế biến dừa xuất khẩu đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với công suất chỉ đạt 10-15%

Ngày 13-12, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa”.

Xuất khẩu dừa kỳ vọng vượt mốc 1 tỉ USD trong năm 2024. Ảnh: BTC

Xuất khẩu dừa kỳ vọng vượt mốc 1 tỉ USD trong năm 2024. Ảnh: BTC

Hiện nay, ngành dừa Việt Nam, với diện tích gần 200.000 ha, đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại các tỉnh duyên hải miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Từ con số khiêm tốn chỉ 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2010, ngành dừa đã phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỉ USD trong năm 2024.

Việc Mỹ và châu Âu chấp thuận dừa Việt Nam, cùng vừa qua, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội to lớn cho ngành dừa.

Trung Quốc hiện là thị trường rất quan trọng của dừa, hàng năm nước bạn tiêu thụ 4 tỉ quả dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỉ quả tươi...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group chỉ ra xuất khẩu dừa sang Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật, chất lượng và an toàn thực phẩm.

Sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước sản xuất dừa khác như Thái Lan, Indonesia, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải cải tiến sản phẩm và giữ giá hợp lý.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam, chia sẻ: Ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, nhà máy tại Bến Tre nhưng lượng cung của tỉnh không đủ cho tất cả hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với công suất chỉ đạt 10-15%.

Trong những năm gần đây, nguyên liệu dừa khô thuế suất 0%, nên nhiều doanh nghiệp đặt cơ sở sơ chế dừa khô rồi đưa sang Trung Quốc chế biến sâu.

“Nếu không sớm có chính sách thuế, tạo hàng rào thuế quan để giữ lại nguồn nguyên liệu dừa cho ngành công nghiệp chế biến trong nước thì ngành dừa của chúng ta chắc chắn sẽ lao dốc” – bà Thanh lo ngại.

Trước thực tế trên, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, nhấn mạnh đã đến lúc ngành dừa phải cạnh tranh bằng chất lượng chứ không phải hạ giá.

Doanh nghiệp cần có chiến lược nâng giá bán sản phẩm ở các thị trường sau đó quay trở lại hỗ trợ giá mua cho người dân, thay vì tìm cách thu mua nguyên liệu giá rẻ và bán giá rẻ như hiện nay.

Ông nhắc tới vừa qua Lễ hội trái cây Việt Nam tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nhiều doanh nghiệp nước ngoài, có nguồn lực mạnh, sẵn sàng thâm nhập thị trường Việt Nam. Việc cạnh tranh sẽ càng trở nên gay gắt.

Qua các ý kiến tại diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa nói “bất ngờ” khi biết giá dừa tươi bán có thể xuống thấp tới 1.000 đồng/quả. Để tránh lặp lại chuyện “được mùa mất giá” này, ông kêu gọi các bên cùng chung tay, hợp tác để cùng đem lại lợi ích cho người dân.

Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thi-truong-trung-quoc-hut-hang-nha-may-dua-trong-nuoc-lai-gap-nghich-canh-196241213180908155.htm