Thị trường vốn - Đại dương xanh hay đỏ
Thị trường vốn Việt Nam hiện nay đang đối diện với những cơ hội và thách thức lớn, đặt ra câu hỏi liệu đây là một 'đại dương xanh' đầy tiềm năng hay một 'đại dương đỏ' đầy cạnh tranh.
"Đại dương" xanh hay đỏ phụ thuộc vào... startup
Thị trường vốn Việt Nam hiện nay đang đối diện với những cơ hội và thách thức lớn, đặt ra câu hỏi liệu đây là một "đại dương xanh" đầy tiềm năng hay một "đại dương đỏ" đầy cạnh tranh. Chia sẻ tại sự kiện ra mắt sách Chinh phục "Cá mập" chiều ngày 14/12, ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp cho rằng, màu sắc của thị trường vốn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của từng startup trong việc tạo ra sự khác biệt và thuyết phục nhà đầu tư.
“Khi startup sở hữu một sản phẩm độc đáo, kế hoạch tăng trưởng rõ ràng và khả năng quản lý hiệu quả, thì thị trường vốn luôn là màu xanh. Ngược lại, nếu không kể được câu chuyện của mình, ngay cả khi thị trường đang phát triển, nó vẫn sẽ là màu đỏ”, ông Chánh nhấn mạnh.
Điều này được minh chứng rõ rệt qua hành trình phát triển và gọi vốn của Phở 24, thương hiệu nổi bật trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam. TS. Lý Quý Trung - Chủ tịch Viện Doanh nhân Đương đại LQT, GS kiêm nhiệm ĐH Western Sydney, Sáng lập Phở 24 chia sẻ rằng, thành công của thương hiệu này cách đây 20 năm nằm ở chiến lược xây dựng sự khác biệt trong mô hình kinh doanh.
"Từ việc tạo ra món phở với hương vị độc đáo, không gian nhà hàng sạch sẽ, đến việc tiên phong áp dụng mô hình nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam... thì đại dương ắt sẽ "xanh lè", TS. Trung nói.
Gọi vốn, nhớ triết lý "win-win"
Thị trường vốn tại Việt Nam phản ánh rõ nét hai khía cạnh quan trọng: cảm xúc trong đầu tư và tính chuyên nghiệp của các tổ chức. Với các nhà đầu tư cá nhân, việc tự mình nắm giữ và quyết định dòng tiền thường bị chi phối mạnh bởi cảm xúc - hưng phấn khi giá tăng và hoảng loạn khi giá giảm. Ngược lại, các quỹ đầu tư và chuyên gia tài chính lại hoạt động trên nền tảng bài bản hơn. Họ xem xét mọi khía cạnh với sự tính toán kỹ lưỡng, bởi nguồn vốn họ quản lý là của người khác, đòi hỏi trách nhiệm cao và quyết định dựa trên giá trị thực tế thay vì cảm tính.
Ông Lâm Minh Chánh cho rằng, điểm mấu chốt là việc định giá các startup không dựa vào mối quan hệ cá nhân hay những yếu tố cảm tính, mà dựa vào giá trị thực, phù hợp với triết lý "win-win". Tuy nhiên, khi startup không đủ mạnh hoặc chưa xây dựng được nội lực bền vững, họ buộc phải chấp nhận mức định giá thấp hơn từ nhà đầu tư để có cơ hội phát triển.
“
việc định giá các startup không dựa vào mối quan hệ cá nhân hay những yếu tố cảm tính, mà dựa vào giá trị thực, phù hợp với triết lý "win-win"
Ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni
"Truyền thông" cũng là một loại vốn
Trong cuốn sách Chinh phục "Cá mập", tác giả Xuân Quyên cho rằng: "Truyền thông" cũng là một loại vốn, có vai trò không thua gì vốn tài chính khác.
Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Hạnh - Tổng giám đốc TVHUB cho rằng, truyền thông có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc tăng giá trị doanh nghiệp, đặc biệt trong các thương vụ nổi bật. Những thương vụ tại Shark Tank Việt Nam, nơi các nhà đầu tư "tranh nhau" rót vốn, cho thấy sức mạnh của việc kể câu chuyện khởi nghiệp một cách hấp dẫn và thuyết phục.
Tuy nhiên, các diễn giả cũng nhận định, yếu tố cốt lõi vẫn nằm ở nội lực của doanh nghiệp. Truyền thông chỉ là công cụ hỗ trợ khi doanh nghiệp đã có sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh đáng tin cậy. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng nền tảng vững chắc thay vì chỉ dựa vào hiệu ứng truyền thông để tăng giá trị.
“
Với một sản phẩm chất lượng kém, truyền thông là yếu tố giết chết nó nhanh nhất. Còn với sản phẩm tốt, không có truyền thông thì đó chính là cái chết từ từ.
Bà Lê Hạnh - Tổng giám đốc TVHUB
Việc "đánh bóng" hình ảnh mà không thực sự đầu tư vào cốt lõi doanh nghiệp chỉ mang tính hình thức, không bền vững", TS. Lý Quý Trung nhấn mạnh.
Chiều ngày 14/12, tại TP.HCM, Công ty CP sách Alpha Books và tác giả - doanh nhân Tôn Nữ Xuân Quyên đã phối hợp tổ chức sự kiện ra mắt sách Chinh phục "Cá mập" - cẩm nang cho startup tìm kiếm nguồn vốn phát triển.
Chủ tịch HĐQT Công ty Blusaigon Tôn Nữ Xuân Quyên, tác giả cuốn sách, cho biết, Chinh phục "Cá mập" được viết trong 3 năm, đúc kết từ chính những trải nghiệm thực tế, những khó khăn mà cô đã đối mặt trong hành trình 13 năm khởi nghiệp, với không ít lần phải "đau đầu" việc gọi vốn cho doanh nghiệp.
Dù xuất thân từ một gia đình kinh doanh lâu năm, Xuân Quyên vẫn gặp rất nhiều trở ngại trong việc tìm nguồn vốn phù hợp. Thời điểm đó, các thông tin liên quan đến thị trường vốn và cách để một startup "non trẻ" gọi vốn còn rời rạc, không có hệ thống. Nếu có thì cũng là những tài liệu phương Tây và thiếu tính thực tiễn cho thị trường Việt Nam. Quyên phải tự mình mày mò, học hỏi từ rất nhiều nguồn khác nhau, thử nghiệm qua các cuộc thi và đúc kết những bài học xương máu sau mỗi lần thất bại.
Đặc biệt, Xuân Quyên chia sẻ rằng Shark Tank chính là bước ngoặt giúp cộng đồng biết đến Blusaigon nhiều hơn. Thông qua hành trình tham gia chương trình, cô đã tích lũy được nhiều bài học quý giá, từ khâu chuẩn bị kỹ lưỡng đến cách trình bày ấn tượng trước các nhà đầu tư.
"Cụ thể, tôi đã dành hàng tháng trời để nghiên cứu tất cả các tập phát sóng trước đó, ghi chép và hệ thống hóa những câu hỏi mà các "cá mập" thường đặt ra, từ đó soạn ra gần 80 câu hỏi tiềm năng và viết sẵn các câu trả lời phù hợp. Tôi còn xây dựng nhiều kịch bản thuyết trình khác nhau, từ kể câu chuyện cá nhân, giới thiệu sản phẩm đến chia sẻ về tầm nhìn kinh doanh, để đảm bảo mỗi câu chuyện được trình bày một cách thu hút và hiệu quả nhất trong thời gian ngắn ngủi mà chương trình cho phép...", Xuân Quyên kể.
Những kinh nghiệm này không chỉ giúp nữ doanh nhân trẻ thành công trên Shark Tank mà còn trở thành nguồn cảm hứng và bài học thực tiễn để chia sẻ lại qua cuốn sách Chinh phục "Cá mập".
"Qua cuốn sách, tôi mong muốn hỗ trợ các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các startup trẻ có thể tiết kiệm thời gian hơn bằng cách cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn, những bài học đúc kết và các công cụ cần thiết để tự tin hơn trong hành trình gọi vốn và phát triển doanh nghiệp. Hy vọng các startup tránh được những khoảnh khắc "bối rối" vì thiếu hoặc nhiễu loạn thông tin như tôi đã từng gặp phải...", Xuân Quyên nói.
Với văn phong gần gũi, cô đọng, các giải pháp được trình bày trong Chinh phục "Cá Mập" mang tính ứng dụng cao, giúp doanh nhân Việt không chỉ hiểu mà còn thực hành hiệu quả các bước gọi vốn từ cơ bản đến nâng cao.
Nội dung nổi bật của sách xoay quanh các công cụ mạnh mẽ như công thức 5W1H, cô đọng phương pháp chuẩn bị chiến lược gọi vốn từ việc xác định mục tiêu đến cách thực hiện gọi vốn hiệu quả. Ngoài ra, phần 68 câu hỏi thường gặp cùng hướng dẫn trả lời thuyết phục được tác giả xây dựng từ kinh nghiệm thực tiễn, chính là kết quả của quá trình tập luyện kỹ lưỡng trước khi tham gia Shark Tank và nhiều "sân chơi" gọi vốn khác. Những câu trả lời này không chỉ giúp tạo dựng sự tự tin cho startup mà còn góp phần xây dựng niềm tin, "ghi điểm" và dễ dàng nhận sự đồng thuận từ nhà đầu tư.
Chinh phục "Cá mập" cũng sẽ cung cấp các mẫu Template Pitch Deck chuyên nghiệp, hướng dẫn chi tiết về cách xây dựng pitch deck ấn tượng, từ cấu trúc nội dung đến trình bày tài chính và định giá doanh nghiệp. Đặc biệt, tác giả còn chia sẻ danh sách các kênh gọi vốn tiềm năng, danh sách các quỹ đầu tư uy tín, phân loại theo lĩnh vực, quy mô vốn và phong cách đầu tư để giúp các startup tìm đối tác phù hợp nhanh chóng.
Tác giả Tôn Nữ Xuân Quyên cho hay: "Ngoài sự đúc kết của cá nhân, cuốn sách còn được bổ sung kinh nghiệm từ hơn 40 chuyên gia đầu ngành, bao gồm nhiều "cá mập" có tiếng như Shark Việt, Shark Minh Beta, TS. Lý Quí Trung... cùng các chuyên gia từ các cơ quan quản lý như Bộ Kế hoạch và Đầu tư".
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/thi-truong-von-dai-duong-xanh-hay-do-315125.html