Thích ứng với thương chiến Mỹ - Trung: Khó, nhưng phải làm!

Với các số liệu thống kê tháng 7 vừa được cơ quan hải quan công bố, có thể nói, xuất nhập khẩu của Việt Nam sáng sủa hơn cả mong đợi. Có nhiều khả năng bức tranh xuất nhập khẩu sẽ còn tốt hơn, nhưng nguy cơ bị 'vạ lây' từ thương chiến Mỹ - Trung cũng rõ ràng hơn.

Do vậy, nhanh chóng thích ứng có lẽ là cách tốt nhất để duy trì động lực phát triển kinh tế trong điều kiện mới.

Bất ngờ tháng 7

Cuối tháng 7 vừa qua, theo ước tính của các nhà quản lý, xuất khẩu tháng 7 đạt 22,6 tỉ đô la Mỹ, bảy tháng đạt 145,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Thế nhưng, theo số liệu thống kê hải quan vừa công bố, cả hai con số tuyệt đối nói trên đều đội lên trên dưới 400 triệu đô la Mỹ, còn nhịp tăng cũng tăng thêm 0,3 điểm phần trăm.

Trong bối cảnh thương mại thế giới khủng hoảng, xuất khẩu của hàng loạt “ông lớn” thi nhau tụt dốc tới mức tăng trưởng âm trở thành phổ biến, các kết quả của Việt Nam là hết sức đặc biệt.

Xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong tháng vừa qua tăng gần 1,2 tỉ đô la Mỹ và 27,3% so với cùng kỳ, đẩy tổng kim ngạch bảy tháng lên gần 33 tỉ đô la Mỹ.

Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tháng 7 giảm, nên bảy tháng cũng không đạt như ước tính.

Gần tương tự, ở đầu vào, nhập khẩu cũng có những bất ngờ.

Để tránh bị vạ lây, cần nhanh chóng điều chỉnh để ngăn chặn theo hai hướng: đối với thị trường Trung Quốc, cần kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu; còn với thị trường Mỹ, cần kiểm soát chặt chẽ việc gian lận xuất xứ để xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh nhập khẩu từ thị trường này.

Trước hết, nếu so với ước tính tháng 7 là 22,4 tỉ đô la Mỹ và bảy tháng là 143,3 tỉ đô la Mỹ, nhập khẩu tháng 7 và bảy tháng cũng cao hơn 400 triệu đô la Mỹ và nhịp tăng thêm cũng giống như trong xuất khẩu.

Xét trên tổng thể, với nền kinh tế vốn phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, nhập khẩu vẫn thấp hơn xuất khẩu có thể coi là một kết quả rất tích cực, bởi vẫn tiếp tục xuất siêu, nhưng câu chuyện đối với hai đối tác thương mại quan trọng nhất nhì là Trung Quốc và Mỹ lại hoàn toàn khác hẳn.

Trước hết, với thị trường Trung Quốc, do xuất khẩu tụt dốc, còn nhập khẩu tăng nhanh, chiếm kỷ lục gần 30% tổng nhập khẩu của nước ta từ thị trường thế giới, cho nên nhập siêu bảy tháng đầu năm nay đã đạt kỷ lục 22,6 tỉ đô la Mỹ, còn tỷ lệ nhập siêu cũng cao ngất ngưởng tới 113,9%.

Trong khi đó, với thị trường Mỹ, do xuất khẩu tăng, chiếm 22,7% trong tổng xuất khẩu của nước ta ra thị trường thế giới, cho nên xuất siêu bảy tháng đầu năm nay đã đạt mức chưa từng có 24,8 tỉ đô la Mỹ.

Cộng hưởng giữa hai lực hút và đẩy

Vấn đề đặt ra là thực trạng nói trên bắt nguồn từ những nguyên nhân nào? Câu trả lời có lẽ là thương chiến Mỹ - Trung dẫn đến sự cộng hưởng giữa sức hút của thị trường Mỹ với lực đẩy từ thị trường Trung Quốc.

Sở dĩ như vậy là bởi hai lẽ:

Thứ nhất, việc Mỹ đánh thuế rất cao vào 250 tỉ đô la Mỹ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong 13 tháng qua làm cho sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc giảm, tạo ra những khoảng trống cho hàng Việt Nam cũng như của các đối thủ cạnh tranh khác chen chân.

Các số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) cho thấy, bình quân mỗi tháng trong bốn tháng đầu năm nay, nhập khẩu của Mỹ mỗi tháng so với cùng kỳ vẫn tăng nhẹ, nhưng riêng nhập từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh từ 42 tỉ đô la Mỹ xuống chỉ còn 36,8 tỉ đô la Mỹ, tức là giảm tới 12,3%.

Thứ hai, mất thị phần lớn tại thị trường Mỹ, đương nhiên Trung Quốc phải tìm kiếm các thị trường thay thế, Việt Nam là một trong số đó.

Các số liệu thống kê cũng của ITC cho thấy, bình quân mỗi tháng trong sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc ra thị trường thế giới hầu như “giậm chân tại chỗ” ở mức 195 tỉ đô la Mỹ, nhưng riêng nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này tăng.

Từ những thực tế đó, có lẽ có đủ căn cứ để cho rằng, nếu như quyết định áp thuế đối với hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ, cũng như các giải pháp trả đũa của Trung Quốc được thực thi như tuyên bố của hai bên, thì hai xu thế ngược chiều nhau trong xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ còn tăng lên.

Để né vạ lây

Để thích ứng với thương chiến Mỹ - Trung, chúng ta cũng cần nỗ lực phát triển xuất nhập khẩu với hai thị trường này theo hai hướng ngược chiều nhau.

Trước hết, đối với thị trường Trung Quốc, câu chuyện có lẽ bức xúc bậc nhất hiện nay là có bao nhiêu hàng hóa “Made in China” được mượn danh “Made in Vietnam” để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, hay là công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đã đủ sức để chiếm lĩnh một phần khoảng trống do đòn thuế quan của Mỹ đánh vào hàng hóa của Trung Quốc để lại? “Quả bóng” này đang nằm trong chân các nhà quản lý.

Còn đối với thị trường Mỹ, dù Việt Nam có ngăn chặn được một cách hiệu quả chuyện hàng hóa “Made in China” mượn danh “Made in Vietnam”, nhưng trong bối cảnh Việt Nam đã và đang xuất siêu ngày càng lớn vào Mỹ, các doanh nghiệp cần tránh “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” để đề phòng trường hợp gặp bất lợi ở thị trường Mỹ trong tương lai.

Việc Bộ Thương mại Mỹ mới đây ra quyết định sơ bộ áp mức thuế tới 456,23% đối với thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam có lẽ là bài học đủ sâu sắc cho những doanh nghiệp chưa thức tỉnh.

Bên cạnh đó, nhằm giảm tỷ lệ xuất siêu với Mỹ, các nhà quản lý Việt Nam cũng nên tính đến những giải pháp khả dĩ để khuyến khích gia tăng nhập khẩu từ thị trường này, đặc biệt là hàng nông sản Mỹ đang bí đầu ra do đòn trả đũa của Trung Quốc.

Tóm lại, để tránh bị vạ lây, cần nhanh chóng điều chỉnh để ngăn chặn theo hai hướng: đối với thị trường Trung Quốc, cần kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu; còn với thị trường Mỹ, cần kiểm soát chặt chẽ việc gian lận xuất xứ để xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh nhập khẩu từ thị trường này.

Nguyễn Đình Bích

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293323/thich-ung-voi-thuong-chien-my--trung-kho-nhung-phai-lam-.html