Thiếu nước tưới, tăng nguy cơ cháy rừng

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang hứng chịu các đợt nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ trên 40oC. Nắng nóng, khô hạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất của người dân.

Nhiều trạm bơm tại Quảng Nam thiếu nước do nắng nóng gay gắt

Nhiều trạm bơm tại Quảng Nam thiếu nước do nắng nóng gay gắt

Thiếu nước, mặn xâm nhập

10 giờ sáng, nhiệt độ ngoài trời tiệm cận 40oC, vườn rau La Hường nằm sát bờ sông Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) ít người làm việc hơn mọi khi. Ngồi dưới chiếc dù buộc thêm bạt che tứ phía, bà Võ Thị Vân (SN 1966, trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) vẫn miệt mài thu hoạch cây rau muống dưới cái nắng như đổ lửa. Bà Vân cho biết, những ngày này, nông dân phải ra đồng khi trời còn chưa sáng tỏ. Đến tầm 10 giờ, phần lớn nông dân rời đồng ruộng về nhà để tránh cái nắng như thiêu đốt.

Nắng nóng và xâm nhập mặn cũng khiến nguồn nước về hạ du sông Vu Gia bị khô dần, hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Theo dự báo, lượng mưa mùa khô năm 2023 và mực nước trung bình trên sông Vu Gia thấp hơn trung bình nhiều năm; lưu lượng dòng chảy trung bình trên sông Vu Gia thiếu hụt khoảng 40% đến 60%. Điều này xảy ra sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn nước vùng hạ du, đặc biệt là gây “khủng hoảng nguồn nước” cho TP Đà Nẵng với khoảng 1 triệu dân.

Tại Quảng Nam, mặc dù mới vào mùa khô hạn, nhưng một số khu vực hạ nguồn của tỉnh Quảng Nam đã thiếu nước và nguồn nước bị nhiễm mặn. Tại hợp tác xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), vị trí bể hút trạm bơm 19-5 có độ mặn là 14,7 phần ngàn. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng đến 20-5 và không có nước qua vận hành thủy điện ở thượng nguồn về trạm bơm thì vụ hè thu sắp đến, nông dân không thể xuống giống. Cùng với đó, việc nhiễm mặn cũng làm cho việc cấp nước đến các nhà máy nước sinh hoạt gặp khó khăn.

Ghi nhận tại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, từ cuối năm 2022 đến khoảng giữa tháng 4, nắng nóng kéo dài khiến thời tiết khô khốc. Nhiều diện tích cây trồng đã bị thiệt hại. Như tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 6-4, có hơn 399ha cây trồng bị thiệt hại do nắng nóng, khô hạn.

Chủ động nguồn cấp nước sinh hoạt

Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phối hợp triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ứng phó hiệu quả với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn. Theo đó, Đà Nẵng đề nghị ưu tiên dành nước các hồ chứa thủy điện phục vụ phòng chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn; đảm bảo cấp nước an toàn cho vùng hạ du hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đến cuối mùa cạn. Ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết, đã đề nghị Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt cho người dân thành phố; chủ động phòng mặn trong trường hợp nước sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn nặng.

Theo ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện các hồ chứa thủy điện đang thiếu hụt nguồn nước. Giai đoạn này chưa cấp nước để sản xuất nên địa phương cho dừng vận hành các thủy điện đến ngày 10-5 để cải thiện nguồn nước phục vụ cho vụ hè thu. Để tránh việc thiếu hụt nguồn cấp nước, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Công ty thủy điện Sông Bung, A Vương, Sông Tranh vận hành các nhà máy thủy điện nhằm đưa dần mực nước các hồ chứa về khoảng mực nước theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tại Quyết định 1865 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, trên địa bàn, hiện nắng nóng gay gắt và hanh khô xảy ra trên diện rộng, cấp dự báo cháy rừng đang là nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm. Dự báo trong thời gian tới, tình trạng nắng nóng, khô hạn vẫn tiếp tục diễn ra nên nguy cơ xảy cháy rừng rất cao. Để giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, đơn vị yêu cầu các địa phương xác định cụ thể những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để chủ động thực hiện phòng cháy.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thieu-nuoc-tuoi-tang-nguy-co-chay-rung-post688483.html