Thiếu tướng Hoàng Sâm trong ký ức gia đình và người thân
Thiếu tướng Hoàng Sâm là Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí Hoàng Sâm là một vị tướng tài năng, huyền thoại với nhiều chiến công, từng đảm nhiệm trọng trách quan trọng như: Khu trưởng Liên khu 2, Liên khu 3 thời kháng chiến chống thực dân Pháp; Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Quân khu Hữu Ngạn, Quân khu 3 và Quân khu Trị - Thiên thời kháng chiến chống Mỹ.
Cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Sâm gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua hơn 40 năm hoạt động cách mạng, Thiếu tướng Hoàng Sâm có nhiều kinh nghiệm và đóng góp quan trọng với cách mạng Việt Nam. Từ trải nghiệm sâu sắc thực tiễn chiến trường và trước những yêu cầu mới đặt ra, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã viết nhiều bài báo, tài liệu huấn luyện quân sự giàu tính thực tiễn và lý luận có giá trị cho đến ngày nay.
Mới đây, tại Hội thảo khoa học: “Thiếu tướng Hoàng Sâm - Người Cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy quân sự tài năng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình” do Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức, đã khẳng định, làm rõ về cuộc đời hoạt động, những cống hiến to lớn của Thiếu tướng Hoàng Sâm với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Tri ân, tôn vinh công lao, phẩm chất, đạo đức cao đẹp của Thiếu tướng Hoàng Sâm; khơi dậy lòng tự hào dân tộc và học tập tấm gương sáng về tài năng, đức độ, cùng những tình cảm thiêng liêng, cao quý mà ông dành cho quê hương, đất nước, qua đó góp phần vào công tác giáo dục truyền thống, xây dựng và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Trong quá trình thu thập tài liệu phục vụ Hội thảo, chúng tôi đã liên hệ với gia đình Thiếu tướng Hoàng Sâm để chia sẻ, lắng nghe và nhận tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp của ông. Trong ký ức của gia đình và người thân, nhất là bà Phan Thị Lệ - Phu nhân của Thiếu tướng Hoàng Sâm và các con ông, hình ảnh Thiếu tướng Hoàng Sâm, người chồng, người cha kính yêu luôn hiện lên với những dấu ấn sâu đậm về lòng dũng cảm, sự hy sinh và tình yêu thương vô bờ bến dành cho gia đình.
Điều này thể hiện thật rõ nét qua bức thư tay gửi về cho vợ và các con từ nơi chiến trường ác liệt chỉ một tháng trước ngày ông hy sinh và những lần ghé thăm ngắn ngủi cùng vợ và các con ăn bữa cơm đầm ấm như bao gia đình khác. Bức thư của ông là một bức tranh sống động và chân thật nhất về tình cảm gia đình giữa chiến tranh khốc liệt, đặc biệt là sự gắn bó, yêu thương và nỗi niềm của một người vợ xa chồng, người cha xa con.
“Lan yêu quý của bố,
Bố đã nhận được thư của con viết từ hồi đầu tháng 8/68 đến nay là tháng 11/68 bố mới viết thư trả lời và báo tin cho con hay: Từ khi bố vào đến nay vẫn được mạnh khỏe như thường, bố đi đường vừa đi xe ô tô, vừa đi bộ mất tròn một tháng thì vào đến vị trí nhiệm vụ, suốt dọc đường đi mọi điều đều tốt lành, tuy có bị ném bom cách 300m, 500m. Vừa đến nơi, ngày hôm sau đế quốc Mỹ liền cho máy bay đến chào đón bố bằng mấy chục quả bom, cách hơn 10m cũng chẳng ai việc gì cả. Nói bom đạn thì trong này chẳng có thiếu, nhưng bom đạn nó cũng tránh người, chứ nó không phải là nam châm với sắt thép! Còn nói về bọn đế quốc Mỹ và tay sai thì thật là dã man, tàn bạo: Giết người moi gan xào ăn, đốt nhà, đốt làng rồi quẳng trẻ con vào lửa, bắt nhân dân tập trung lại cả ông già, bà lão, trẻ thơ rồi xả súng bắn chết hàng mấy chục người một lúc, những sự việc này thường xảy ra. Còn ruộng lúa, hoa màu cây cối đều bị phá trụi, rải chất độc hóa học xuống nữa, thật là thương tâm, mà cũng thật là căm thù. Do đó, bộ đội phải đánh Mỹ và chư hầu để cứu nhân dân, nhân dân tích cực cương quyết đánh Mỹ và chư hầu để mà sống, không còn con đường nào khác, tất cả tập trung đánh đế quốc Mỹ và bọn tay sai, cũng vì vậy mà quân và dân miền Nam liên tục chiến thắng đế quốc Mỹ và tay sai. Và như vậy cũng thấy được rằng: Sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của quân và dân miền Nam cũng vô bờ bến, sự kiên cường dũng cảm cũng không thể đo lường được, không thể kể cho hết được.
Bố biết tin con mạnh khỏe, chuẩn bị tháng 11/68 này đi học, bố rất mừng, con phải cố gắng học tập, rèn luyện, vì làm thuốc phải tỷ mỉ, cẩn trọng, tránh cẩu thả, sơ suất, nếu cẩu thả sơ suất, không thận trọng tỷ mỉ thì chết người đấy! Muốn vậy phải đề cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, đối với người; từ việc nhỏ đến việc lớn đều phải tỷ mỉ: viết phải đẹp và rõ ràng, nếu không thì nhầm lẫn cũng chết người, cân đong pha chế phải đúng cân đúng lạng, cẩu thả sơ suất cũng sẽ chết người v.v., con còn phải chú ý hơn là đói cho sạch, rách cho thơm, ăn ở phải sạch sẽ gọn gàng, ăn nói dịu dàng, cần cù chịu khó, thì mọi người kính mến, nếu không chú ý thì người ta khinh ghét con ạ! Con lại phải luôn viết thư cho mẹ, cho em, báo rõ tình hình và khuyên các em chăm học, chơi ngoan, con nhớ rằng con có trách nhiệm bổn phận là người con cả trong nhà, là người chị cả trong nhà đấy! Hơn nữa con phải chú ý giữ gìn sức khỏe, tập tành rèn luyện tạo cho mình một tập quán tốt.
Bố đi công tác xa, có gian khổ nhưng bố rất phấn khởi, chỉ lo cho các con còn nhỏ, chưa đứa nào tự lập được, giờ có mẹ con ở nhà một mình lại càng buồn, vì vậy mà các con phải hết sức cố gắng chăm chỉ học tập, để cho mẹ con vui con ạ. Bố mạnh khỏe luôn các con cứ yên tâm học hành cho tốt.
Chúc con mạnh khỏe, học tập tiến bộ về mọi mặt. Viết thư cho bố thì gửi về cho mẹ để nhờ Quân khu chuyển giúp mới đến tay bố được.
Ngày 11/11/68
Bố Hải”
Đây là bức thư từ nơi chiến trường ác liệt chỉ một tháng trước ngày ông hy sinh. Chia sẻ với chúng tôi, Ông Hoàng Sùng cho biết: Trong ký ức chúng tôi, hình ảnh bố Hoàng Sâm luôn hiện lên với những dấu ấn sâu đậm về lòng dũng cảm, sự hy sinh, và tình yêu thương dành cho gia đình. Bức thư của bố là một bức tranh sống động và chân thật nhất về tình cảm gia đình giữa chiến tranh khốc liệt, đặc biệt là sự gắn bó, yêu thương và nỗi niềm của một người cha xa con. Tình cảm ấy không chỉ thể hiện qua sự quan tâm chăm sóc, mà còn mang đậm tính trách nhiệm, những bài học về đạo đức và tình yêu nước, truyền tải những ý nghĩa vượt thời gian.
Mùa Đông cuối năm 1968, ông hy sinh, do điều kiện chiến tranh chờ đợi gần một tháng thì mới đưa được ra đến Hà Nội. Ngày 1-2-1969, tang lễ đồng chí Hoàng Sâm được cử hành trọng thể tại Hà Nội. Tại đây, lễ truy điệu được tổ chức long trọng, gia đình và cơ quan có mặt đầy đủ để tiễn biệt ông về nơi an nghỉ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Sau khi ông mất, Bà Phan Thị Lệ - Phu nhân của ông viết một bài thơ đầy cảm xúc tưởng nhớ người Chồng yêu dấu:
Vẫn mái nhà xưa anh đi đâu?
Na, cam… ra quả đượm muôn sầu.
Ơn người chăm sóc không còn nữa?
Quả trĩu trên cành nặng nghĩa sâu.
Giàn lý, giàn nho, nọ cây đào!
Nhớ anh trước gió lá rì rào.
Phi lao thẳng tắp vi vu mãi…
Mát rượi mong anh tự hôm nao.
Nhìn cá lội bơi lúc xế chiều
Thương anh mơ ước biết bao nhiêu
Trở về ta nấu nồi riêu cá
Chan húp mát lòng bên con yêu.
Anh ra đi rồi theo tổ tiên
Nhà xưa vắng vẻ cảnh triền miên
Hương thơm tỏa khói bao quanh ảnh
Hồn nhắn vợ con sống nhẫn kiên.
Cỏ đã mọc xanh trên mộ rồi!
Thương anh ngồi khóc lệ tuôn rơi.
Tình riêng nhỏ bé bên non nước,
Khắc phục lâu dài nỗi đầy vơi…
Ước mơ tổ quốc được thanh bình
Con cháu tự do sống quang vinh
Nghĩa cả quên mình anh không tiếc
Ngàn thu yên nghỉ dạ đinh ninh…
(Hà Đông, tháng 1/1969)
Những dòng tâm sự tự đáy lòng trong hội thảo, những nỗi nhớ sâu thẳm từ người thân, gia đình của Thiếu tướng Hoàng Sâm, những khẳng định đầy thuyết phục của các tham luận trong hội thảo một lần nữa khẳng định: Với 54 tuổi đời, hơn 40 năm hoạt động cách mạng, Thiếu tướng Hoàng Sâm luôn tỏ rõ là chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng, nhà chỉ huy quân sự tài năng của Quân đội, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình. Đồng chí đã có đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, được Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Thiếu tướng Hoàng Sâm là tấm gương sáng cho các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập, noi theo.