Thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas: Những điểm khác biệt và khả năng kéo dài bao lâu?

Ông Shashi Asthana, chuyên gia chiến lược toàn cầu và phân tích quân sự, đồng thời là một vị tướng của Ấn Độ trong bài viết trên trang Modern Diplomacy cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel-Hamas vừa qua có rất nhiều điểm khác biệt so với các thỏa thuận trước đây.

Hôm 21/5, lệnh ngừng bắn giữa Israel-Hamas sau 11 ngày giao tranh khốc liệt đã có hiệu lực. Đây là một bước đi đáng hoan nghênh đối với những người dân vô tội lâu nay vẫn chịu nhiều thương vong trong làn mưa bom bão đạn, nếu như tất cả các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn này một cách nghiêm túc.

Khói đen mù mịt bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza ngày 11/5/2021. (Nguồn: AP)

Khói đen mù mịt bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza ngày 11/5/2021. (Nguồn: AP)

Cuộc xung đột giữa Israel và Palestine là một trong những cuộc xung đột kéo dài nhất trên thế giới, với việc Israel chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza trong 53 năm. Và trong thời gian đó, thỉnh thoảng lại xảy ra các cuộc chiến tranh và xung đột ở quy mô khác nhau mà cho đến nay vẫn không có dấu hiệu của một giải pháp hòa bình lâu dài.

Thỏa thuận ngừng bắn lần này giữa Israel và phái Hamas diễn ra sau đợt giao tranh gần đây nhất, cũng giống như các cuộc chiến trước, đã kết thúc bất phân thắng bại, với việc Israel tuyên bố gây thiệt hại nặng nề cho Hamas, nhưng không thể ngăn chặn tên lửa của tổ chức này khi 12 người Israel thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương.

Trong khi đó, Hamas cũng tuyên bố chiến thắng, mặc dù thương vong nặng nề, với 230 người Palestine thiệt mạng và hơn 1.900 người bị thương, thách thức phải tái thiết Gaza cùng người dân suy giảm lòng tin và lâm vào khó khăn khi phải chịu cảnh đói nghèo do đại dịch Covid-19 (58.000 người Palestine đã phải bỏ nhà ra đi).

Lực lượng Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza (sau khi Israel đơn phương rút quân năm 2005). Sau thỏa thuận đình chiến với Israel năm 2005, tổ chức này cũng hoạt động theo dạng dân quân.

Trong khi đó, Bờ Tây và 167 khu vực của người Palestine do Fatah, tổ chức chính trị đại diện cho Tổ chức Giải phóng Palestine trước đây, kiểm soát, nằm giữa 230 khu định cư Do Thái do Israel nắm giữ.

Cả hai phái, Hamas và Fatah, có hệ tư tưởng khác nhau và có nhiều khác biệt, nhưng đã cùng thành lập Chính phủ Thống nhất Palestine đặt dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mahmoud Abbas từ năm 2014, và tiến hành đàm phán hòa bình thông với nhóm Bộ tứ (Mỹ, Nga, EU và Liên hợp quốc (LHQ)).

Các tuyên bố mâu thuẫn nhau về chủ quyền đối với Jerusalem - địa danh rất quan trọng với người Cơ đốc giáo, người Do Thái và người Palestine, là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine, và đã nhiều lần gây ra các vụ đụng độ bạo lực trong quá khứ, cũng như hiện tại.

Châm ngòi khủng hoảng

Đợt bạo lực mới bắt đầu vào ngày 6/5/2021, khi các cuộc biểu tình của người Palestine nổ ra để chống lại quyết định được dự đoán từ trước của Tòa án Tối cao Israel (dù chưa được công bố), về việc trục xuất 6 gia đình Palestine khỏi Sheikh Jarrah, một khu vực lân cận Đông Jerusalem bị chiếm đóng. Các cuộc biểu tình này đã dẫn đến các cuộc giao tranh ngày càng gia tăng giữa người Israel và người Palestine tại Thành cổ Jerusalem.

Vào ngày 8/5, đông đảo người Hồi giáo Palestine đã đổ về Haram al-Sharif để cầu nguyện trong ngày lễ Ramadan, thời điểm đánh dấu ngày Thánh Muhammad giác ngộ Kinh Qur’an. Trong khi đó, những người Do Thái Israel cũng đã tập trung trước Ngày Jerusalem (10/5) đánh dấu sự kiểm soát của người Do Thái đối với Thành cổ Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967.

Tâm điểm của những lễ kỷ niệm đó là Bức tường phía Tây của Núi Đền (địa điểm linh thiêng nhất trong Do Thái giáo và Cơ đốc giáo), tương tự với nơi mà người Hồi giáo gọi là Haram al-Sharif. Cảnh sát Israel ập vào khuôn viên của Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ ba trong đạo Hồi và các cuộc đụng độ đã xảy ra khiến hơn 300 người bị thương, chủ yếu là người Palestine.

Bên cạnh đó, việc đóng cửa Damascus (lối vào chính của Thành cổ Jerusalem) là một nguyên nhân khác gây nên cuộc khủng hoảng. Điều này dẫn đến việc một loạt tên lửa được Hamas bắn vào Israel, và sau đó Israel đáp trả bằng các cuộc không kích liên tục vào Gaza, cùng các loại vũ khí khác, gây ra thiệt hại nặng nề và thương vong trong 11 ngày.

Động lực bên trong

Cuộc đối đầu đã xảy ra vào thời điểm đang có các cuộc khủng hoảng chính trị ở cả Israel và Chính quyền Palestine (PA).

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gần đây đã thất bại trong việc thành lập một liên minh cầm quyền sau vòng bầu cử thứ tư chỉ trong 2 năm; do đó thiếu quyền lực cần thiết.

Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, người đã hết nhiệm kỳ cách đây 12 năm, cũng trong tình trạng tương tự. Gần đây, ông Abbas đã hoãn các cuộc bầu cử lập pháp, sau khi đảng của ông tụt hạng mạnh trong các cuộc thăm dò.

Với việc các nhà lãnh đạo của cả hai bên đều gặp khó trong việc thực thi quyền lực, bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào liên quan đến tình hình phức tạp như vậy có thể có ít cơ hội thành công, với nguy cơ hành động liều lĩnh của một trong hai bên.

Hơn nữa, người Arab ở Israel cũng có mặt trên đường phố và có thể có khả năng xô xát sẽ bùng phát nếu phán quyết có hướng phân biệt chủng tộc của Tòa án Tối cao xảy ra.

Cùng lúc, tổ chức Hezbollah cũng xuất hiện lên tiếng ủng hộ Hamas và làm tăng thêm sự phức tạp cho vấn đề. Thỏa thuận ngừng bắn do đó trở nên khá mong manh.

Phản ứng quốc tế

Trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC), Mỹ là nước duy nhất vẫn một mực ủng hộ Israel. Do đó, nỗ lực trung gian hòa giải trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng chống lại việc Israel có vẻ đang sử dụng vũ lực quá mức.

Cũng cần lưu ý rằng sau khi Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Mỹ đã chuyển Đại sứ quán sang Jerusalem, đề xuất một giải pháp hòa bình bất khả thi và bị PA bác bỏ. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu vẫn cho rằng toàn bộ Jerusalem thuộc về Israel và kêu gọi các bên khác nên từ từ rời bỏ thành phố này.

Điều này rất nguy hiểm, vì theo quan điểm lịch sử và tôn giáo, Jerusalem là nơi bất khả xâm phạm và không thể thương lượng đối với những người Cơ đốc giáo, người Do Thái cũng như người Palestine vì tất cả những người này đều cùng tồn tại ở đó từ bao đời nay.

Cộng đồng quốc tế mặc dù công nhận quyền tự vệ của Israel, nhưng không thể chấp nhận quyền tự vệ đó trả bằng việc nghiền nát các khu vực dân sự ở Gaza, gây thương vong nặng nề cho dân thường, ngay cả khi Tel Aviv cáo buộc các phần tử Hamas đang trà trộn vào dân chúng (chiến thuật được hầu hết các nhóm khủng bố trên thế giới áp dụng).

Thỏa thuận ngừng bắn mới nhất được Ai Cập và Qatar làm trung gian, mặc dù cả 2 nước này thường bị cáo buộc ủng hộ Hamas vì cùng nhánh Hồi giáo Shiite. Điều khác biệt lớn lần này là phản ứng thái quá của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, dường như đặt mình vào vị trí nhà lãnh đạo mới của thế giới Hồi giáo, cũng như việc Pakistan chỉ trích kịch liệt chống lại Israel.

Cuộc đối đầu Israel-Hamas lần này cũng xảy ra khi Tel Aviv đang có nhiều bước đi cải thiện quan hệ với một số nước thuộc thế giới Arab. Do đó, tiến trình này có thể tạm chậm lại do các nước Arab phản đối hành động của Israel ở Haram al-Sharif.

Tuy nhiên, hầu hết các nước Arab cũng có mối quan hệ thù địch với Hamas, và có sự phân biệt rõ ràng giữa người dân Palestine và lực lượng Hamas.

Viễn cảnh hòa bình trong tương lai

Chán nản với trạng thái bất ổn, vào năm 2007, theo một số cuộc thăm dò, đa số người Israel và Palestine thích giải pháp hai nhà nước hơn bất kỳ giải pháp nào khác, coi đây là một giải pháp cho xung đột, như đã được khởi xướng trong Hiệp định Oslo năm 1993-1995.

Với sự phức tạp của 167 khu đất của Palestine nằm trong 203 khu định cư của Israel và các vấn đề quản trị liên quan, khả năng Israel có thể đồng ý rời Bờ Tây là điều không thực tế. Chắc chắn không có lãnh đạo Israel nào đồng ý với một đề xuất như vậy.

Tương tự là trường hợp của Jerusalem. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm đẩy bất kỳ một cộng đồng tôn giáo nào ra khỏi địa điểm tôn giáo linh thiêng của họ nhất định sẽ gây ra phản ứng dữ dội. Chung sống hòa bình có thể không phải là lựa chọn ưu tiên nhưng dường như là lựa chọn thiết thực duy nhất.

Ngoài ra, có khả năng những phần tử phá hoại hòa bình từ bên ngoài có thể gây bất hòa tôn giáo, điều mà cả hai bên và cả nhóm Bộ tứ phải ngăn chặn. Đã có một số tiếng nói từ người Palestine mong đợi Ấn Độ làm trung gian, vì Ấn Độ có quan hệ tốt với Israel cũng như Palestine.

Tuy nhiên, vấn đề quá phức tạp và nhạy cảm nên chính sách hiện tại của Ấn Độ là duy trì quan hệ độc lập với cả hai mà không can thiệp vào công việc nội bộ của bất cứ bên nào. Và có lẽ đây cũng là chính sách tốt nhất cho Ấn Độ.

Xem xét tất cả các yếu tố, thỏa thuận ngừng bắn hiện tại là một bước đi đáng hoan nghênh, nhưng “tuổi thọ” của nó vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ, do những bất ổn chính trị của cả hai bên và sự mất lòng tin giữa các cộng đồng người dân ở khu vực này.

(theo Modern Diplomacy)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoa-thuan-ngung-ban-israel-hamas-nhung-diem-khac-biet-va-kha-nang-keo-dai-bao-lau-146272.html