'Thoát ly' khỏi sách giáo khoa là điều nên làm

Không sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa (SGK) môn Ngữ văn để ra đề kiểm tra định kỳ, học sinh sẽ tránh ỷ lại vào văn mẫu, tránh học 'vẹt' còn nhà trường sẽ phải đổi mới phương pháp dạy học... Nhiệm vụ đặt ra khó hơn nhưng theo người trong nghề đây là điều nên làm.

Hoạt động thảo luận nhóm trong giờ Ngữ văn của lớp 6B, Trường TH&THCS Xuân Thịnh (Triệu Sơn).

Hoạt động thảo luận nhóm trong giờ Ngữ văn của lớp 6B, Trường TH&THCS Xuân Thịnh (Triệu Sơn).

Tránh được hiện tượng “trúng đề”

Tại Công văn số 3935/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 - 2025, nêu rõ: Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong SGK để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ, nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Thực tế, vấn đề khi áp dụng không dễ cho cả người dạy lẫn người học.

Với môn Ngữ văn bậc THCS, ngay từ lớp 6, học sinh đã được tiếp xúc với nhiều thể loại cũng như kiểu bài, những điều này sẽ được nâng cao, mở rộng và bổ sung trong chương trình các năm học tiếp theo. Vì vậy, đòi hỏi giáo viên ngay từ đầu cấp phải giúp học sinh rèn kỹ năng đọc hiểu văn bản, kỹ năng viết đoạn văn, bài văn theo yêu cầu. Từ đây đặt ra yêu cầu khi ra đề thi, đề kiểm tra cũng phải theo tinh thần đổi mới, không lấy ngữ liệu trong chương trình SGK. Theo cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh, giáo viên dạy môn Ngữ văn Trường TH&THCS Xuân Thịnh (Triệu Sơn) thì để một giáo viên có thể cảm nhận đúng, trúng nội dung tư tưởng của tác phẩm đã khó, cảm nhận hết chiều sâu giá trị tác phẩm càng khó hơn. “Thực tế, yêu cầu ra đề thi chỉ đổi mới chủ yếu ở câu nghị luận văn học”. Cô Vân Anh nói: “Còn phần ngữ liệu đọc hiểu và viết đoạn văn vốn bao năm nay chỉ dùng ngữ liệu ngoài chương trình SGK. Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ rõ yêu cầu này trong các thông tư, công văn. Các đơn vị giáo dục cũng đã sử dụng ngữ liệu ngoài SGK trong các đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ từ mấy năm nay. Và kể từ năm 2025, chính thức áp dụng trong kỳ thi vào lớp 10 THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

Đối với học sinh, vốn quen với kiểu học tủ, học thuộc kiểu bài phân tích, chứng minh, nêu cảm nghĩ về một tác phẩm được học trong chương trình SGK. Học sinh được đọc hiểu, được giáo viên định hướng, giảng về tác phẩm không chỉ một lần nên sẽ hiểu đúng, hiểu sâu về tác phẩm. Đó cũng là lý do vì sao, với bài thi vào lớp 10 THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT gần như năm nào cũng có hiện tượng “cả tỉnh trúng đề”, “cả nước trúng đề”. Với yêu cầu mới sẽ tránh được hiện tượng này. “Học sinh muốn viết được bài nghị luận văn học bắt buộc phải đọc, hiểu được tác phẩm. Điều này sẽ kích thích và phát huy được năng lực đọc hiểu và khả năng sáng tạo của học sinh, buộc các em phải học thật sự, thi thật sự. Tuy nhiên, từ đây cũng xuất hiện nhiều vấn đề nan giải. Bởi, với những học sinh THCS, vốn hiểu biết về xã hội và văn chương của các em còn hạn chế nên trong bài làm các em mới chỉ dừng ở khả năng cảm thụ đơn giản. Có em diễn xuôi tác phẩm, thậm chí hiểu không đúng tinh thần tác phẩm”, giáo viên môn Ngữ văn Nguyễn Thị Vân Anh, Trường TH&THCS Xuân Thịnh (Triệu Sơn) cho biết thêm.

Cũng theo cô giáo Nguyễn Thị Tuấn Anh, tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Tĩnh Gia 1 (thị xã Nghi Sơn), thì: “Không sử dụng ngữ liệu trong SGK để ra đề thi môn Ngữ văn là một thay đổi lớn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bước đầu, việc thay đổi này ít, nhiều gây khó khăn cho học sinh khi các em phải tự đọc, hiểu, cảm thụ một ngữ liệu hoàn toàn mới. Nhưng “thoát ly” khỏi SGK là điều nên làm”.

Phải đổi mới cách dạy và cách học

Việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần bảo đảm nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh. Đối với bậc THPT, qua 3 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh đã được trang bị những tri thức ngữ văn cần thiết về đặc trưng các thể loại văn bản giúp các em có thể độc lập, tự mình khám phá văn bản ở một chừng mực nhất định.

Tiết dạy Ngữ văn tại lớp 10A7 của cô giáo Nguyễn Thị Tuấn Anh, Trường THPT Tĩnh Gia 1 (thị xã Nghi Sơn).

Tiết dạy Ngữ văn tại lớp 10A7 của cô giáo Nguyễn Thị Tuấn Anh, Trường THPT Tĩnh Gia 1 (thị xã Nghi Sơn).

Ở Trường THPT Tĩnh Gia 1 (thị xã Nghi Sơn), kết quả kiểm tra đánh giá học sinh đối với môn Ngữ văn của chương trình giáo dục phổ thông mới về cơ bản đạt được mục đích, yêu cầu. Năm học đầu tiên, học sinh chưa quen với kiểu đề mới, kết quả ít nhiều còn hạn chế, đặc biệt ở các lớp khối A không được học thêm, rèn luyện kỹ năng làm bài. Hai năm trở lại đây, kết quả được cải thiện đáng kể. Giáo viên đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, ôn tập. Học sinh đã làm quen với dạng đề mới, kỹ năng làm bài được rèn luyện, tiến bộ theo thời gian. “Tôi ví dụ trước đây, khi tìm hiểu một văn bản văn học ngoài SGK, học sinh quen cách làm cũ, chỉ tập trung khám phá nội dung nhưng vì nhận thức còn hạn chế nên có khi hiểu sai nội dung văn bản. Hiện nay, đa số học sinh đã nắm được đặc trưng thể loại, sử dụng tri thức ngữ văn như “chìa khóa” mở cánh cửa vào tìm hiểu văn bản và đạt được những mục tiêu kiểm tra đánh giá nhất định. Chúng tôi hy vọng, khả năng đọc hiểu, khám phá văn bản ngoài chương trình của học sinh sẽ được tiếp tục cải thiện trong thời gian tới”, giáo viên Nguyễn Thị Tuấn Anh, tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Tĩnh Gia 1 (thị xã Nghi Sơn) cho biết.

Muốn học sinh đọc, hiểu, cảm thụ ngữ liệu mới với kết quả khả quan thì điều quan trọng phải đổi mới cách dạy và cách học môn Ngữ văn. Theo đó, cần tăng cường việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn Ngữ văn đồng thời dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận... Cô giáo Trần Thị Hiền, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Thành Tiến (Thạch Thành), cho rằng: “Giáo viên có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp học sinh đọc nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của học sinh, tránh đọc chép và yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức một cách máy móc”. Đối với dạy viết, theo cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh, giáo viên môn Ngữ Văn Trường TH&THCS Xuân Thịnh (Triệu Sơn) thì: “Giải pháp cơ bản nhất là bản thân mỗi giáo viên cần chú trọng rèn cho học sinh kỹ năng viết các dạng bài, thường xuyên giao bài cho học sinh, chú trọng yêu cầu học sinh hình thành ý tưởng, biết cách trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, có sức thuyết phục để qua đó rèn luyện tư duy và cách viết các kiểu văn bản...”

Bài và ảnh: Ninh Nghi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/thoat-ly-khoi-sach-giao-khoa-la-dieu-nen-lam-34448.htm