Thoát nghèo nhờ nuôi lươn
Những năm gần đây, nhiều người dân xã An Long, huyện Tam Nông tận dụng diện tích đất trống xây hồ xi măng để triển khai mô hình nuôi lươn. Với chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít bệnh và dễ chăm sóc, mô hình này mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Điển hình như gia đình ông Lê Văn Thanh ngụ ấp An Phú.
Hoàn cảnh gia đình ông Thanh trước đây rất khó khăn. Vợ chồng ông phải chật vật mưu sinh để lo cho cuộc sống và nuôi 2 con nhỏ. Vợ chồng ông luôn ấp ủ ước mơ thoát nghèo. Và ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ ông tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tận dụng nguồn vốn này, ông Thanh đầu tư xây dựng 5 hồ xi măng dưới sàn nhà để nuôi 3.000 con lươn giống. Mỗi hồ dài 3m, rộng 2m, cao hơn 1m, được trang bị hệ thống bơm, thay nước và phủ lớp bùn đáy cao từ 1,5 - 2cm. Lươn giống được thả nuôi trong môi trường phù hợp với mặt nước phủ kín bởi lục bình, rau muống và cây bắp, tạo nơi trú ẩn tự nhiên.
Nguồn thức ăn cho lươn chủ yếu là cá tạp, cua, ốc bươu vàng nấu chín, trộn với bột gòn và thức ăn viên công nghiệp. Ông Thanh tuân thủ quy trình chăm sóc kỹ lưỡng, thường xuyên thay nước, phòng bệnh cho lươn để đảm bảo đàn lươn tăng trưởng tốt. Sau 1 tháng nuôi, lươn giống sống trong hồ quen với môi trường, ông Thanh sẽ chọn những con lươn giống khỏe mạnh thả nuôi đại trà, đảm bảo ổn định quá trình tăng trưởng của lươn. Vì vậy, tỷ lệ hao hụt rất thấp.
Với đức tính chăm chỉ, sau 2 năm thử nghiệm nuôi lươn quy mô nhỏ, ông Thanh đã mở rộng xây thêm 20 hồ xi măng, tổng diện tích mặt nước hơn 120m². Mỗi năm, ông Thanh thả nuôi liên vụ gần chục ngàn con lươn giống, thu hoạch 3 đợt lươn thương phẩm, mỗi đợt từ 300 - 500kg. Với giá bán từ 110.000 đồng - 150.000 đồng/kg, ông thu về khoảng 500 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi từ 60 triệu - 100 triệu đồng.
Ông Thanh kể về quá trình vươn lên thoát nghèo: “Do gia cảnh rất khó khăn, lúc đầu, tôi chỉ nuôi lươn với số lượng ít. Khi được tiếp cận vay vốn ưu đãi, tôi xây dựng 5 hồ xi măng dưới sàn nhà để nuôi lươn giống. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, phòng ngừa dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, lươn tăng trưởng tốt. Đến nay, với số tiền lời tích lũy từ việc nuôi lươn, tôi đầu tư 100 triệu đồng để sửa chữa lại căn nhà, ổn định cuộc sống. Từ cuộc sống bấp bênh, không có việc làm ổn định, giờ đây, kinh tế gia đình tôi cải thiện rõ rệt, tôi rất vui và cảm ơn chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ”.
Bà Ngô Thị Hồng Phương - Phó Chủ tịch UBND xã An Long, cho biết: “Vợ chồng ông Lê Văn Thanh từng phải bươn chải làm nhiều nghề để kiếm sống, nuôi con. Sau khi được chính quyền địa phương giới thiệu vay vốn từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Thanh luôn chí thú làm ăn, sử dụng vốn vay đúng mục đích vào việc nuôi lươn trong hồ xi măng dưới sàn nhà, từ đó có thu nhập ổn định và thoát nghèo”.
Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/thoat-ngheo-nho-nuoi-luon-127465.aspx