Thời trang tuần hoàn: Khi vòng đời của quần áo viết tiếp câu chuyện bền vững
Về bản chất, thời trang tuần hoàn là một giải pháp để kéo dài vòng đời của sản phẩm, chống lại văn hóa lãng phí. Nhưng tại Việt Nam, câu chuyện này đang được viết theo một cách đặc biệt hơn, từ việc tìm một người chủ mới, được tái sinh trong một hình hài khác, cho đến việc trở thành một món quà ý nghĩa.
Ngành công nghiệp thời trang, đặc biệt là mô hình “thời trang nhanh”, từ lâu đã vận hành theo một quy trình: Khai thác, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ. Vòng quay này tạo ra những tủ đồ quá tải và những bãi rác khổng lồ. Để giải quyết vấn đề đó, một triết lý mới đã ra đời: Thời trang tuần hoàn.
Về cốt lõi, thời trang tuần hoàn là một hệ thống được thiết kế để giữ cho sản phẩm và vật liệu được sử dụng càng lâu càng tốt. Thay vì kết thúc ở bãi rác, vòng đời của một món đồ được kéo dài thông qua các hoạt động đa dạng như sửa chữa (repair), cho thuê (rent), bán lại (resell), làm mới (upcycle), và cuối cùng là tái chế (recycle).
Hệ sinh thái tuần hoàn: Cơ hội mới từ những giá trị cũ
Tại Việt Nam, dự án Urban Circular Space (UCS) (Tầng 2, nhà 2X, ngõ 6 Tôn Thất Tùng, phường Kim Liên, Hà Nội), do chị Phùng Thị Thu Hà (38 tuổi) sáng lập từ tháng 1-2020, là một trong những nỗ lực tiên phong để hiện thực hóa triết lý này. Mục tiêu cốt lõi của UCS là góp phần giải quyết vấn đề của ngành thời trang, đồng thời hạn chế tối đa việc tạo gánh nặng cho môi trường.

Không gian tại Urban Circular Space (UCS) thể hiện rõ triết lý tuần hoàn với các hoạt động đa dạng từ bán lại (Thrift shop), đổi đồ (Swap), trao tặng (Donate) đến tái chế (Recycle).
Để thực hiện mục tiêu đó, UCS không chỉ đơn thuần là một điểm thu gom. Tại đây, mỗi món đồ được trao gửi đều bắt đầu một hành trình mới thông qua một quy trình xử lý bài bản với bốn hoạt động chính: Bán gây quỹ, đổi đồ, tái chế và trao tặng.
Chị Trần Thúy Nga (29 tuổi), quản lý dự án thời trang tuần hoàn hiện tại thay cho người sáng lập là chị Phùng Thị Thu Hà, chia sẻ về cơ chế vận hành độc đáo này: “Tùy thuộc vào tình trạng, tính phù hợp và khả năng tái sử dụng, mỗi món đồ sẽ được hướng đến một giải pháp tối ưu nhất. Chúng tôi phải phân loại thật kỹ để tôn trọng cả người gửi, người sẽ nhận nó và môi trường”.
Theo đó, những sản phẩm còn rất mới, lành lặn sẽ được bán lại. “Doanh thu trung bình khoảng 18-20 triệu đồng mỗi tháng không phải là lợi nhuận, mà là nguồn quỹ thiết yếu để chúng tôi chi trả chi phí vận hành”, chị Nga cho biết. Chính nguồn quỹ này giúp UCS có không gian để tổ chức các hoạt động đổi đồ (swap events) – nơi cộng đồng có thể làm mới tủ đồ mà không cần mua sắm.
Những sản phẩm có lỗi nhỏ hoặc không còn mặc được sẽ được ưu tiên cho các workshop tái chế sáng tạo (upcycle), biến thành túi, ví hoặc các vật dụng mới. Cuối cùng, những món đồ còn tốt nhưng không phù hợp để bán hay đổi, như đồng phục hay đồ mùa đông, sẽ được trao tặng.
Gần đây nhất, UCS đã tham gia đồng hành với vai trò nhà tài trợ vật phẩm trong chương trình “Gom ngọt ngào - Gửi sẻ chia” tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Mằn (xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La - nay là xã Huổi Một, tỉnh Sơn La), một điểm trường thuộc xã đặc biệt khó khăn.

UCS cùng các đơn vị đồng hành trong chương trình “Gom ngọt ngào - Gửi sẻ chia”, mang những món quà thiết thực đến với các em học sinh tại điểm trường Nậm Mằn, Sơn La. Ảnh do NVCC
UCS đã kết hợp với nhiều đơn vị khác, hỗ trợ chủ yếu là quần áo và sách truyện đã được quyên góp. Những món đồ được cộng đồng gửi gắm, sau khi được phân loại và chăm chút, đã hoàn thành trọn vẹn vòng tuần hoàn của mình bằng cách mang đến niềm vui và sự hỗ trợ thiết thực.
Khi được hỏi về những kỷ niệm từ các chuyến đi, chị Nga tâm sự: “Ở mỗi một nơi UCS được ghé qua, những món quần áo đó mọi người đều trân quý và đón nhận. Bà con đều vui mừng, các bạn nhỏ thì háo hức. Nhìn những hình ảnh đó, chúng tôi chỉ mong có điều kiện để hỗ trợ thêm cho bà con, mang đến những món quần áo còn chất lượng hơn nữa”.
Bên cạnh những không gian vật lý như UCS, tinh thần sẻ chia còn được khuếch đại mạnh mẽ nhờ các nền tảng công nghệ, đưa việc cho và nhận đến gần hơn với người dùng chỉ bằng vài cú nhấp chuột.
Trên nền tảng ký gửi trực tuyến Reshare (ra đời tháng 4-2021 do nhóm những người trẻ gồm anh Nguyễn Trung Nghĩa, chị Phan Thị Ngọc Anh và anh Lê Minh Vũ Bão sáng lập), bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, một không gian đặc biệt mang tên “Tủ quần áo không đồng” đã được tạo ra. Đây là một tính năng được thiết kế riêng, cho phép các thành viên có thể đăng ký trao tặng hoàn toàn miễn phí những món đồ của mình cho người khác.

Nền tảng trực tuyến như Reshare đang giúp người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc cho quần áo của mình một vòng đời mới, góp phần lan tỏa tinh thần tuần hoàn trong cộng đồng.
Cách làm này cho thấy một bước tiến mới trong tư duy kinh doanh bền vững. Doanh nghiệp không chỉ hoạt động vì lợi nhuận, mà còn tận dụng chính nền tảng và sức ảnh hưởng của mình để trở thành một cầu nối thiện nguyện hiệu quả: Giúp mọi món đồ, dù ở phân khúc nào, đều có cơ hội tìm thấy một cuộc đời thứ hai.
Hành trình của chiếc áo cũ, lựa chọn của người tiêu dùng mới
Động lực đằng sau hệ sinh thái nhân văn này không chỉ đến từ các mô hình sáng tạo, mà được thúc đẩy bởi một sự thay đổi căn bản và đáng quý trong nhận thức của người tiêu dùng. Hành động “dọn tủ đồ” không còn là việc thanh lý hay loại bỏ, mà đã trở thành một cơ hội để gửi gắm sự quan tâm và lan tỏa giá trị một cách có chủ đích.
Cũng như nhiều người trẻ, chị Lan Vy (28 tuổi, chuyên viên truyền thông) từng đối mặt với một tủ đồ quá tải sau thời gian chạy theo thời trang nhanh. Nhưng với chị, những món đồ không sử dụng tới không phải là đồ bỏ đi, mà là những vật phẩm giá trị nên được trao đến tay người thực sự cần chúng.
Chị cho biết mỗi năm mình lại dọn tủ quần áo một lần và chủ động sắp xếp ra những món đồ để quyên góp. “Mình nghĩ đơn giản lắm, đồ này mình không mặc nhưng vẫn còn mới và tốt, chắc chắn ở đâu đó sẽ có người cần”, chị Vy chia sẻ.

Việc soạn và gửi quần áo đã qua sử dụng của gia đình đối với chị Thu Hương là một hành động thiết thực, giúp kéo dài sự hữu ích của mỗi món đồ thay vì để chúng bị lãng quên trong tủ.
Với chị Thu Hương (33 tuổi, nhân viên ngân hàng), việc soạn lại tủ quần áo cho gia đình bốn thành viên là một hoạt động định kỳ. Chị cho biết, trước đây, nhìn những bộ quần áo còn tốt nhưng không ai dùng đến cứ chất đống trong tủ, chị cảm thấy rất phí phạm.
“Hai năm trở lại đây, mình thường gửi quần áo tới những tiệm đồ ký gửi để chúng có thể đến nơi mà người khác có thể dùng được. Nó giống như mình đang kéo dài sự hữu ích của món đồ ra vậy”, chị Hương kể. Đặc biệt, chị còn cẩn thận lựa chọn những món đồ unisex, nam hay nữ đều có thể mặc được, để dành riêng cho việc quyên góp, với mong muốn món đồ của mình có thể đến tay và hữu ích cho nhiều người nhất có thể.
Những câu chuyện này phản ánh một sự trưởng thành trong văn hóa tiêu dùng. Người ta không chỉ quan tâm đến sản phẩm mình mua, mà còn có trách nhiệm với nó ngay cả khi không còn sử dụng.
Hành trình của một chiếc áo cũ, theo cách đó, đã không còn kết thúc trong sự lãng quên. Nó được tái sinh trong một vòng tròn của tình người, sưởi ấm không chỉ một, mà là hai cuộc đời: Cuộc đời của người cho đi với niềm vui của sự sẻ chia, và cuộc đời của người nhận lại với sự ấm áp của tình thương. Đó mới chính là giá trị bền vững và trọn vẹn nhất mà thời trang có thể mang lại.