Thống nhất để tránh mâu thuẫn, chồng chéo

Để ổn định đội ngũ giáo viên, khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này cần thực hiện nhất quán, tránh mâu thuẫn, chồng chéo.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT thăm Trường mẫu giáo Rạng Đông (thị xã Hòa Thành).

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT thăm Trường mẫu giáo Rạng Đông (thị xã Hòa Thành).

GẦN 1.500 GIÁO VIÊN PHẢI HỌC NÂNG CHUẨN

“Sở Giáo dục và Đào tạo đã rà soát vị trí việc làm, cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động để bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, phù hợp thực tế của địa phương. Tỷ lệ bố trí giáo viên hiện nay còn thấp so với định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16.3.2015 và Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12.7.2017. Cụ thể, tỷ lệ bố trí giáo viên ở mầm non là 1,71 giáo viên/lớp, tiểu học 1,44 giáo viên/lớp, THCS, 1,82 giáo viên/lớp, THPT 1,96 giáo viên/lớp.

Năm học 2021-2022, UBND tỉnh bổ sung viên chức cho ngành Giáo dục 335 biên chế (Quyết định số 3235/QĐ-UBND ngày 30.12.2020 của UBND tỉnh về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính và giao số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021). Trong năm, Sở GD&ĐT đã tuyển dụng cho Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha được 5 giáo viên và 2 nhân viên, đang thực hiện tuyển dụng cho các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở GD&ĐT còn lại 117 chỉ tiêu (đến nay đã nhận được 73 hồ sơ đăng ký dự tuyển).

Công tác tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức theo đúng quy chế được quy định trong Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT ngày 30.11.2017 của Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14.5.2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập năm 2020. Kết quả có 305 giáo viên trung học phổ thông được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng II, trong đó có 17 trường hợp thuộc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, thị, thành phố.

Có đại biểu dẫn số liệu do Bộ GD&ĐT công bố, theo đó, cả nước thừa gần 10.200 giáo viên và thiếu trên 94.700 giáo viên. “Giả sử, nếu có thể sắp xếp được số giáo viên thừa thì vẫn còn thiếu khoảng 84.000. Giải pháp nào để bổ sung được hơn 84.000 giáo viên này trong khi vẫn phải thực hiện nghị quyết về tinh giản biên chế”- đại biểu băn khoăn.

Thực hiện Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30.6.2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Kế hoạch số 681/KH-BGDĐT ngày 28.8.2020 của Bộ GD&ĐT tạo về thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 1 (2020-2025), Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo rà soát, báo cáo và xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2020-2025 để trình UBND tỉnh phê duyệt và ban hành quyết định tổ chức thực hiện.

Theo Quyết định số 2698/QĐ-UBND ngày 22.12.2021 của UBND tỉnh, kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, từ nay đến năm 2025 sẽ có 1.403 giáo viên tham gia học tập nâng chuẩn trình độ được đào tạo, trong đó mầm non 307, tiểu học 810, THCS 286 giáo viên”.

Đoạn văn vừa trích dẫn ở trên là đánh giá mới nhất của lãnh đạo Sở GD&ĐT về tình hình đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh. Có hai vấn đề cơ bản đang nổi lên, gồm tỷ lệ giáo viên đứng lớp chưa đạt theo quy định của liên Bộ GD&ĐT, Nội vụ và kế hoạch đào tạo nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình để bảo đảm thực hiện đúng tinh thần của Luật Giáo dục năm 2019 (sửa đổi). Gần đây nhất, trong buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GD&ĐT cũng thông tin, việc tuyển dụng giáo viên, đặc biệt giáo viên bậc học mầm non đang khó khăn, vì khan hiếm nguồn tuyển.

Giáo viên Trường mẫu giáo Rạng Đông hướng dẫn học sinh rửa tay trước khi vào lớp.

Giáo viên Trường mẫu giáo Rạng Đông hướng dẫn học sinh rửa tay trước khi vào lớp.

CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG ĐỊA PHƯƠNG NÀO\

Tình hình thừa, thiếu giáo viên cục bộ, chính sách đối với giáo viên nói riêng, đội ngũ nhân lực ngành Giáo dục đã và đang diễn ra trong cả nước. Cách nay chỉ vài ngày, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý giáo viên mầm non phổ thông; chất lượng sinh viên sư phạm và đội ngũ nhà giáo là hai nội dung được quan tâm nhất.

Có đại biểu dẫn số liệu do Bộ GD&ĐT công bố, theo đó, cả nước thừa gần 10.200 giáo viên và thiếu trên 94.700 giáo viên. “Giả sử, nếu có thể sắp xếp được số giáo viên thừa thì vẫn còn thiếu khoảng 84.000. Giải pháp nào để bổ sung được hơn 84.000 giáo viên này trong khi vẫn phải thực hiện nghị quyết về tinh giản biên chế”- đại biểu băn khoăn.

Căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục thừa 10.178 giáo viên (trong đó thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315 giáo viên THPT), thiếu 94.714 giáo viên (48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT). Tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học; trong cùng một địa phương thừa giáo viên môn này nhưng thiếu giáo viên môn khác.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, việc thực thi các giải pháp tổng thể, bền vững bảo đảm không thừa, thiếu giáo viên không chỉ phụ thuộc ngành Giáo dục, điều này liên quan các chính sách quốc gia, phương diện tài chính và giải pháp của địa phương.

Theo ông, ngành đang thiếu giáo viên nhưng vẫn phải giảm 10% biên chế theo lộ trình của Chính phủ. Học sinh tăng gần nửa triệu người mỗi năm, nhưng mấy năm mới có một đợt tuyển giáo viên. “Vừa qua, hai bộ Giáo dục và Nội vụ đã kiến nghị Chính phủ tăng 27.850 biên chế giáo viên mầm non nhưng các thủ tục chưa có”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị việc giảm biên chế không thực hiện theo kiểu cào bằng, cơ học, tùy tình hình, đặc điểm từng địa phương và việc quản lý công chức, viên chức. Bà ví dụ, có tỉnh đề nghị giảm số người hưởng lương viên chức Nhà nước 20%; có bộ, ngành đề nghị giảm 50% vì họ tự chủ được.

Vì vậy, mục tiêu giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước chứ không phải cắt biên chế. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD&ĐT sớm hoàn thiện chiến lược về giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát quy mô mạng lưới trường lớp theo hướng tinh gọn đầu mối; định mức học sinh, giáo viên phù hợp từng vùng, miền...

Cho đến thời điểm năm 2021, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ nhà giáo các cấp học có hơn 200 văn bản. Các quy định của pháp luật về đội ngũ nhà giáo được đề cập tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, một số nội dung chưa thống nhất, dẫn tới khó khăn cho đội ngũ nhà giáo trong việc tra cứu, áp dụng văn bản pháp luật và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

Như từng đề cập nhiều lần, cơ chế, chính sách đối với giáo dục, đã và đang tồn tại nhiều bất cập, mâu thuẫn. Ví dụ, nếu thực hiện đúng theo Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25.10.2017, rất nhiều thông tư, nghị định hiện nay phải sửa đổi, bổ sung.

Có hai thông tư liên quan đến tuyển dụng, mức định biên dành cho ngành Giáo dục (đã dẫn ở phần trên) đều có hiệu lực. Giữ nguyên tỷ lệ giáo viên trên mỗi lớp trong hai thông tư này, nhiều trường chưa đạt được; còn nếu giảm biên chế theo Nghị quyết 19, tỷ lệ giáo viên đã thiếu sẽ càng thiếu nhiều hơn. Chưa kể, hiện vẫn có những cách hiểu khác nhau về các văn bản, chính sách pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, điều động, bổ nhiệm nhân lực trong ngành Giáo dục.

Gần đây nhất, Bộ GD&ĐT có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành xem xét tuyển đặc cách vào biên chế những giáo viên hợp đồng. Đây là những trường hợp đạt chuẩn văn bằng đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2005 nhưng chưa đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Vấn đề đặt ra, tại sao chỉ cho phép tuyển dụng đặc cách những giáo viên hợp đồng theo chuẩn văn bằng của Luật Giáo dục năm 2005, còn những sinh viên mới ra trường, chưa đáp ứng được văn bằng theo Luật Giáo dục năm 2019 lại không được tuyển, trong khi giáo viên đang thiếu?

Theo thống kê, tính đến tháng 5.2021, cả nước có 1.190.443 giáo viên, trong đó giáo viên công lập 1.108.391, ngoài công lập 82.052, biên chế 1.059.729, hợp đồng trong các trường công lập 48.662. Trong tổng số hơn 1 triệu giáo viên mầm non, phổ thông, tỷ lệ giáo viên ngoài công lập chiếm 6,9% tổng số giáo viên của cả nước.

VIỆT ĐÔNG

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thong-nhat-de-tranh-mau-thuan-chong-cheo-a142594.html