Thu phí tham quan di tích: Tại sao không?

Thu phí tham quan các điểm di tích, danh thắng tại nhiều tỉnh, thành phố là câu chuyện không còn mới.

Đồng Nai có nhiều di tích lịch sử, văn hóa được khai thác để phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện có rất ít di tích, danh thắng thu phí vào tham quan.

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đề xuất thu phí tham quan. Trong ảnh: Người dân và du khách trải nghiệm đạp xe tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: K.B.T

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đề xuất thu phí tham quan. Trong ảnh: Người dân và du khách trải nghiệm đạp xe tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: K.B.T

* Ít di tích, danh thắng có nguồn thu

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có một số di tích, danh thắng như: Khu danh thắng Bửu Long (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) và danh lam thắng cảnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) thu phí tham quan.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai, tiến sĩ Trần Đăng Ninh cho biết: “Hiện tại, mức thu phí ở Khu du lịch Bửu Long theo quy định là 10 ngàn đồng với người lớn và 5 ngàn đồng đối với trẻ em. Khoản tiền thu được, tỉnh trích lại cho đơn vị trực tiếp thu 30%, sử dụng vào việc trang trải các chi phí, tái tạo các hoạt động. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này vẫn chưa đủ chi cho công tác bảo vệ”.

Cũng theo ông Trần Đăng Ninh, ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tại các bảo tàng, di tích…, khi khách đến tham quan đều có thu phí. Tuy nhiên, ở Đồng Nai, ngành du lịch chưa phát triển nhiều. Do vậy, việc thu phí cần có sự cân nhắc, nơi nào quyết định thu phí, nơi nào sẽ hỗ trợ đầu tư duy tu, bảo dưỡng. Trên cơ sở thu phí, cần tính toán phát huy giá trị di tích, tôn tạo các danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch.

Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định phí tham quan di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hiện tại, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, huyện Vĩnh Cửu đề xuất thu phí tham quan; Khu danh thắng Bửu Long vẫn giữ nguyên mức phí theo quy định. Riêng danh lam thắng cảnh núi Chứa Chan đề xuất tăng mức thu phí và tỷ lệ % trích lại để tái tạo, phục vụ các hoạt động của danh thắng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều di tích, danh thắng có tài nguyên du lịch phong phú. Một số di tích hàng năm thu hút khá đông người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái như: Văn miếu Trấn Biên, Bảo tàng Đồng Nai, chùa Ông, mộ Cự thạch Hàng Gòn… Ở các di tích này hiện vẫn mở cửa phục vụ miễn phí.

Anh Trương Lê Thành Trung, phụ trách Phòng Khai thác Văn miếu Trấn Biên, cho biết đầu tháng 5 vừa qua, Văn miếu Trấn Biên hoàn thành công tác trùng tu, tôn tạo sau thời gian dài xuống cấp. Hiện nay, diện mạo văn miếu đã khang trang hơn. Đây là điều kiện để văn miếu thực hiện đón tiếp các đoàn tham quan đến vui chơi, học tập, về nguồn, tìm hiểu văn hóa lịch sử…

Người dân và du khách tham quan Khu du lịch Bửu Long (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa). Ảnh: C.T.V

Người dân và du khách tham quan Khu du lịch Bửu Long (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa). Ảnh: C.T.V

“Việc thu phí tham quan di tích là xu hướng chung của nhiều địa phương trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho việc duy tu, bảo dưỡng các công trình này còn rất thiếu. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch thu phí tại di tích. Hy vọng việc thu phí sẽ làm cho văn miếu hoàn thiện cơ sở vật chất, nhân sự, phục vụ tốt hơn cho các nhiệm vụ chính trị và cộng đồng” - anh Trung chia sẻ.

* Trách nhiệm với điểm đến

Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, tiến sĩ Nguyễn Hồng Ân cho rằng, việc thu phí đối với một số di tích là câu chuyện tất yếu, bởi nguồn ngân sách nhà nước không thể nào bao cấp toàn bộ. Di tích là di sản, di sản do cha ông để lại, di sản do thiên nhiên ban thì việc người dân và du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, học tập phải có trách nhiệm chịu một phần lệ phí. Tuy nhiên, việc thu phí cần tính toán làm sao để mức phí phù hợp với mức sống của người dân.

Lấy ví dụ về thu phí tham quan di tích, tiến sĩ Nguyễn Hồng Ân cho hay, ông đã đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, mọi điểm đến đều phải bỏ tiền ra mua vé vào tham quan. Nếu đi Huế thì hầu như các di sản ở thành phố Huế đều thu phí và phí vào các di tích cũng rất cao. Hay vào tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mua vé vào thăm bức tranh panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng, mỗi du khách phải mất 100 ngàn đồng.

“Đến tham quan di tích, đóng một phần phí chính là cách mỗi người dân cùng chia sẻ với Nhà nước để có nguồn kinh phí, tiếp tục tái tạo cho di sản, từ công tác trùng tu, tôn tạo di tích đến vận hành các khâu: điện, nước, bảo vệ, chăm sóc cảnh quan của di tích” - ông Ân nói.

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Ân, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đang tham mưu Nghị quyết về thu phí ở các di tích trên địa bàn tỉnh. Sở đã triển khai đến các địa phương. Trên tinh thần đề xuất của các địa phương, sở sẽ tổng hợp xin ý kiến các sở, ngành và trình UBND tỉnh trước khi trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp cuối năm.

My Ny

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202405/thu-phi-tham-quan-di-tich-tai-sao-khong-6b3523f/