Thủ tướng: Còn tình trạng lãng phí niềm tin, thời gian, cơ hội...
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế là 'đột phá của đột phá', đẩy mạnh phân cấp phân quyền, kiên quyết, kiên trì xóa bỏ cơ chế 'xin - cho'.
Sáng 1-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18/2017 của Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng.
Dù vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn, bất cập. Trong đó, ông nhấn mạnh đến “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, nhất là quan điểm, quy trình, phương thức, phương pháp xây dựng văn bản. Ngoài ra, đầu tư nguồn lực tài chính, con người cho công tác xây dựng pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn.
“Lãng phí niềm tin, thời gian, cơ hội, nguồn lực từ đất đai, đầu tư công, đầu tư tư nhân, tài nguyên, khoáng sản, lao động… còn nhiều” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận phải coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường đột phá, quyết liệt, quyết đoán, đúng thời điểm, trọng điểm là những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”
Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, Thủ tướng cho rằng chúng ta vừa phải “tăng tốc, bứt phá”, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2021-2025. Đồng thời, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới XIV của Đảng.
Thủ tướng đặc biệt đề cập đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
“Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, nhất là sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống chính trị ở Trung ương; đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và nêu rõ cần có có cơ chế, chính sách tạo động lực, bảo vệ cán bộ, công chức làm việc, cống hiến, vì lợi ích chung.
Song song đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực; phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; kiên quyết, kiên trì xóa bỏ cơ chế “xin - cho”; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia…
Về vấn đề kinh tế, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn, hợp lý; giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8%.
Cạnh đó là làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia.
Thủ tướng cũng lưu ý bố trí thêm từ nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2024 ưu tiên cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và một số dự án khác triển khai tốt, có nhu cầu bổ sung vốn. Thu hồi những dự án không triển khai theo kế hoạch, kiên quyết loại bỏ các dự án không cần thiết.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đô thị, kinh tế vùng, liên kết vùng; tập trung, đẩy nhanh đầu tư các dự án quy mô lớn, tác động lan tỏa, góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, ba đột phá chiến lược.
Đẩy mạnh các dự án trọng điểm quốc gia
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia; nghiên cứu khai thác hiệu quả không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm
Đáng chú ý là tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia; khẩn trương kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.
Có thể kể đến như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM; phấn đấu cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025, các cảng khu vực Lạch Huyện; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; hoàn thành thủ tục đầu tư Cảng biển quốc tế Cần Giờ.
Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Xây dựng và chuẩn bị tốt các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, bảo đảm không dàn trải, manh mún, giảm số lượng dự án đầu tư công, trong đó có không quá 3.000 dự án sử dụng nguồn ngân sách trung ương.
Song song đó là tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và TP Đà Nẵng, Khu thương mại tự do tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế.
Một giải pháp khác theo Thủ tướng là đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc; về thanh toán không dùng tiền mặt...
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần“xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế.
“Đây là những nội dung cốt yếu nhất, đặc biệt là những giải pháp mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, làm tiền đề để bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” – Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Cái gì mới mà hay thì phải làm
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu đổi mới tư duy xây dựng luật, trước hết sửa đổi, bổ sung ngay Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật với tinh thần ngắn gọn, quy định khung, nguyên tắc, tạo môi trường, không gian kiến tạo, thông thoáng, hiệu quả.
“Nghiên cứu đổi mới phương pháp, cách làm theo hướng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua ngay việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cấp bách trên các lĩnh vực” – Thủ tướng kiến nghị.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”.
Cạnh đó, phải tăng cường tính tự lực, tự cường, tính chủ động với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Tập trung rà soát các quy định, xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số.