Thủ tướng được quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua trong phiên họp chiều 29-11 với 441 đại biểu (ĐB) tán thành, chiếm 92,07% tổng số ĐB. Luật có hiệu lực từ 1-1-2025.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quán triệt tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật: quy định rõ ràng, thực chất, dễ hiểu, dễ thực hiện, bám sát thực tiễn; tăng cường phân cấp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân đi đôi với trách nhiệm, nhằm nâng cao năng lực thực thi.
“Dự thảo đã luật hóa nhiều chính sách đã được Quốc hội thí điểm như tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập; giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản dự án được triển khai trên địa bàn nhiều tỉnh; cho phép HĐND cấp tỉnh bố trí vốn ngân sách để ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội”, ông Lê Quang Mạnh nêu rõ.
Đặc biệt, với dự thảo luật này, quy mô vốn dự án quan trọng quốc gia được tăng từ 10.000 tỷ đồng hiện nay lên 30.000 tỷ đồng, với cơ sở là do quy mô nền kinh tế đã tăng gấp 10 lần so với năm 2000.
Dự thảo cũng phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cụ thể là chuyển từ HĐND sang UBND quyết định chủ trương dự án nhóm B, C do địa phương quản lý; bổ sung quy định UBND phải báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất để đảm bảo trách nhiệm giải trình.
Thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn được trao cho Thủ tướng Chính phủ thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn trong “khung” (không vượt tổng mức vốn đã được Quốc hội phê duyệt).
Về hạn mức chuyển tiếp giữa 2 kỳ trung hạn, dự thảo luật giữ mức 20% kế hoạch đầu tư trung hạn; nhưng trong trường hợp đặc biệt cho phép vượt mức 20%, (nhưng không quá 50%), với điều kiện báo cáo cấp thẩm quyền.