Thừa Thiên Huế: Đón nhận bằng của UNESCO và công bố hoàn thành dự án tu bổ điện Thái Hòa
Chiều ngày 23/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chuỗi sự kiện đặc biệt nhằm tôn vinh vẻ đẹp bất tận của di sản văn hóa dân tộc. Sự kiện là lời khẳng định mạnh mẽ về vai trò của di sản trong việc kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới.
Đến dự có Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam. Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;...
Tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho: “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Trong lịch sử Việt Nam, Huế từng là trung tâm văn hóa - chính trị của xứ đàng Trong vào thời các chúa Nguyễn và thời Tây Sơn; là Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất (1802 -1945). Với tư cách là Kinh đô, Huế là điểm hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Dưới bàn tay của các nghệ nhân, của các thợ lành nghề và công sức, trí tuệ, tài năng của cả dân tộc Việt Nam đã để lại cho Huế một quần thể kiến trúc tiêu biểu với sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên, là bức tranh rõ nét về chân dung kinh đô xưa của Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, chứa đựng những sắc thái văn hóa rất riêng của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế.
Huế vinh dự là địa phương đầu tiên của cả nước có di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (Quần thể Di tích Cố đô Huế, 1993) và cũng là nơi sở hữu Di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nhã nhạc cung đình Huế, 2003).
Cho đến nay, Thừa Thiên Huế đang là địa phương có số lượng di sản thế giới nhiều nhất Việt Nam. Đây chính là minh chứng rõ nét cho sự phong phú và đa dạng của hệ thống di sản văn hóa mang giá trị toàn cầu tại vùng đất Cố đô.
Việc UNESCO công nhận “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu thế giới một lần nữa khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử của Cửu đỉnh trong kho tàng di sản văn hóa của nhân loại đồng thời đem đến cho Thừa Thiên Huế vị thế là địa phương duy nhất mang trong mình 8 di sản được UNESCO công nhận.
Hôm nay, Thừa Thiên Huế chính thức công bố hoàn thành Dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” đưa vào phục vụ tham quan và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Đây là hai công trình quy mô và có vai trò quan trọng bậc nhất trong khu vực Hoàng Thành và Tử Cấm Thành của Đại Nội Huế. Để tiến hành các thủ tục triển khai Dự án tu bổ, phục hồi điện Thái Hòa và tu bổ, phục hồi điện Cần Chánh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quá trình nghiên cứu chuẩn bị công phu, bài bản và nhận được sự giúp đỡ hết sức to lớn của các tổ chức quốc tế, của các ban, bộ, ngành Trung ương và các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong quá trình thu thập tư liệu, hình ảnh, căn cứ pháp lý để triển khai.
Điều đó đã chứng minh, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Huế từng bước được các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước, đặc biệt là UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.