Thừa Thiên Huế phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngày 21/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian tới, tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng, cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giao dịch trực tuyến ngày càng chiếm ưu thế, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ lợi dụng gia tăng hoạt động, nhất là trên không gian mạng.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổ chức phổ biến, quán triệt đến 100% cán bộ, công nhân, viên chức, lao động của đơn vị về phương thức, thủ đoạn tội phạm lừa đảo, vận động người thân, gia đình nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm.
"Thủ trưởng các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng cán bộ, công nhân, viên chức, đoàn viên, hội viên, lao động của đơn vị bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng chưa được phổ biến, quán triệt các nội dung liên quan", văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng quản lý chặt chẽ việc đăng ký mở tài khoản ngân hàng, nhất là mở tài khoản online, có các biện pháp hữu hiệu quản lý chặt chẽ dữ liệu cá nhân của khách hàng.
Bên cạnh đó, kịp thời phối hợp, phong tỏa tài khoản ngân hàng có dấu hiệu vi phạm khi cơ quan công an yêu cầu trong thời gian "vàng" để ngăn chặn dòng tiền, thu hồi tài sản cho bị hại. Đẩy mạnh việc kiểm soát giao dịch liên quan đến tiền "ảo" trái pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh tham mưu thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trước đó Gia đình và Xã hội thông tin, thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp bắt giữ hoặc đưa ra xét xử các đối tượng là nhân viên tín dụng ngân hàng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt.
Mặc dù nhiều vụ việc lừa đảo dưới hình thức cho vay tiền đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao được cơ quan chức năng xử lý và cảnh báo, tuy nhiên, thủ đoạn vẫn khiến nhiều người "sập bẫy".
Theo cơ quan chức năng, hệ lụy loại tội phạm này gây ra nặng nề, bởi số tiền trong từng vụ án thường rất lớn, thời gian vụ việc kéo dài.
Hành vi phổ biến của loại tội phạm này là đánh vào tâm lý hám lợi, tin tưởng của nhiều người từ việc được trả lãi suất cao, hoặc thông qua hợp đồng kinh doanh hoặc dựa trên mối quan hệ quen biết để chiếm đoạt tài sản.
Để tránh "sập bẫy", người dân cần nhận biết được mức độ nguy hiểm của việc đứng ra cho vay đáo hạn ngân hàng. Ngoài ra, không nên vì hám lợi lãi suất cao để khiến rơi vào cảnh bị lừa đảo, mất tiền, ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần...