'Thúc' cho vay tiêu dùng để kích cầu sức mua

'Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu của người dân, tín dụng tiêu dùng còn kích cầu sức mua, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế', Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đoàn Thái Sơn cho biết.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng.

Đẩy lùi “tín dụng đen”

Tại Hội thảo về Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi "tín dụng đen” do NHNN tổ chức ngày 18/7, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn đánh giá, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng được xem là giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức như tín dụng đen, giảm thiểu các hệ lụy, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Thống kê của NHNN cho thấy, hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, việc thúc đẩy hoạt động tín dụng ngân hàng phục vụ mục đích tiêu dùng là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, đẩy lùi tín dụng đen. Việc các TCTD có thể cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phù hợp, hấp dẫn cũng sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy các hoạt động tiêu dùng nội địa.

Khơi thông tín dụng tiêu dùng

Theo Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn, hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và sự suy giảm tổng cầu.

Ngoài ra, xuất hiện tình trạng tội phạm mạng lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính, khiến không ít khoản vay bị chuyển nhóm nợ xấu, nợ khó đòi...

Dư nợ trong các tháng đầu năm 2024 tiếp tục suy giảm so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng, tập trung vào nhóm công ty tài chính tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của nhóm này.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin, do thói quen tiêu dùng, mục đích vay vốn không hợp pháp, vẫn tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen núp bóng trá hình thông qua hình thức biến tướng của các tổ chức cung cấp tài chính không phải NHNN cấp phép, dẫn đến phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, ảnh hưởng đến danh tiếng của các TCTD.

Ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng giám đốc Agribank đề xuất, cần sớm cho phép các TCTD kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin khách hàng.

Ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng giám đốc Agribank đề xuất, cần sớm cho phép các TCTD kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin khách hàng.

Còn ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng giám đốc Agribank đề xuất, cần sớm cho phép và hướng dẫn các TCTD trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử.

Để khai thác được tiềm năng của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam và giải quyết những tồn tại, nhiều chuyên gia kiến nghị, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, nhằm ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thuc-cho-vay-tieu-dung-de-kich-cau-suc-mua-20240718173741612.htm