Thúc đẩy ứng dụng drone phun thuốc bảo vệ thực vật

So với phương pháp thủ công, phun thuốc bằng drone giúp giảm tới hơn 90% lượng nước, tăng tốc độ phun 30 lần mà vẫn đảm bảo hiệu lực phòng trừ tương đương.

Ngày 27/9, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Hiệp hội CropLife Việt Nam và Công ty CP Thiết bị bay AgriDrone Việt Nam tổ chức khóa tập huấn vận hành phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái (UAV/Drone) cho 30 cán bộ đến từ 14 tổ chức trên cả nước. Đây là chương trình tập huấn và cấp chứng nhận đầu tiên dành cho các cán bộ thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật.

Khóa tập huấn vận hành phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái cho 30 cán bộ đến từ 14 tổ chức. Ảnh: CropLife Việt Nam

Khóa tập huấn vận hành phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái cho 30 cán bộ đến từ 14 tổ chức. Ảnh: CropLife Việt Nam

Tham gia khóa tập huấn, các cán bộ được cập nhật quy định mới về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bằng drone, cung cấp kiến thức cơ bản về nguyên lý hoạt động của các thiết bị bay trong canh tác nông nghiệp. Người tham gia được trực tiếp thử vận hành thiết bị bay để phun thuốc bảo vệ thực vật tại ruộng lúa thuộc xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

Chương trình đào tạo có sự tham gia tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật của Công ty CP Thiết bị bay AgriDrone Việt Nam, cán bộ quản lý thuộc Cục Bảo vệ thực vật và chuyên gia kỹ thuật từ Hiệp hội CropLife Việt Nam.

Phát biểu tại lễ trao chứng nhận khóa tập huấn, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho biết, thực hiện chủ trương chung của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp bền vững sang kinh tế nông nghiệp; áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả, tiết giảm các chi phí đầu vào cũng như nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp,… thì thiết bị bay không người lái là một trong những thiết bị quan trọng trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân hay gieo hạt.

Hiện nay, drone được ứng dụng trong nông nghiệp tại nhiều nước trên thế giới, một số ứng dụng phổ biến bao gồm lập bản đồ, kiểm tra và theo dõi mùa vụ, phun thuốc bảo vệ thực vật, giám sát tưới tiêu và chăn thả gia súc.

“Việc sử dụng thiết bị này trong công tác phun thuốc đã mang lại hiệu quả rất lớn, cải thiện đáng kể nhận thức của các cán bộ tham gia trực tiếp vào các hoạt động khảo nghiệm thuốc. Ngoài ra, những cán bộ này cũng sẽ trở thành giảng viên hoặc người hướng dẫn cho các đồng nghiệp trong tương lai, giúp họ sử dụng thiết bị bay một cách tối ưu”, ông Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, tính chính xác của ứng dụng drone mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao sức khỏe con người, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Khi so sánh với phương pháp phun thủ công bằng bình đeo vai, phun thuốc bằng drone giúp giảm tới hơn 90% lượng nước sử dụng, giảm chi phí khoảng 50% trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực phòng trừ tương đương (thậm chí cao hơn) và tốc độ phun nhanh hơn 30 lần.

Phun thuốc bằng drone giúp tiết kiệm nước và tăng tốc độ phun, trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực phòng trừ tương đương. Ảnh: CropLife Việt Nam

Phun thuốc bằng drone giúp tiết kiệm nước và tăng tốc độ phun, trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực phòng trừ tương đương. Ảnh: CropLife Việt Nam

Đầu năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật đã công bố ban hành Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 830:2022/BVTV về “Khảo nghiệm trên đồng ruộng thuốc bảo vệ thực vật phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng bằng drone”. Đây được coi là cơ sở pháp lý và kỹ thuật quan trọng cho các tổ chức thực hiện khảo nghiệm phát triển quy trình và sử dụng drone để phun thuốc.

Từ đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được nhân rộng và nâng cao hiệu quả, an toàn cho nông dân. Lần hợp tác đầu tiên giữa Cục Bảo vệ thực vật, CropLife Việt Nam cùng các đối tác được coi là nền tảng cho việc xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Kỳ vọng trong tương lai, nông dân cũng sẽ được tiếp cận các tiêu chuẩn và quy trình vận hành drone trong phun thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Đặng Văn Bảo - Chủ tịch CropLife Việt Nam, cũng giống như mọi công cụ và giải pháp nông nghiệp khác, việc sử dụng Drone đều cần tuân thủ theo các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiện hành cũng như quy chuẩn về an toàn nhất định. Với hoạt động tập huấn lần này cùng những hoạt động trong thời gian tới, CropLife Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cùng Cục Bảo vệ thực vật và các đối tác để xây dựng các hướng dẫn vận hành chuẩn và kiện toàn quy trình đăng ký để phát huy được hiệu quả và lợi ích cao nhất của công nghệ này cho nông dân.

Ông Mai Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thiết bị bay AgriDrone Việt Nam – cho hay, điểm cốt lõi để tận dụng hiệu quả cải tiến công nghệ này là sự hợp tác. Yếu tố thúc đẩy việc ứng dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật tới nhiều tỉnh, thành trên cả nước đến từ sự quan tâm, tham gia tích cực, đầu tư và hợp tác giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, từ đó, tăng cường cải cách toàn diện, tối ưu hóa năng suất và đảm bảo an toàn cho nông dân, hướng đến nền nông nghiệp thông minh và bền vững.

Tại sự kiện, Cục Bảo vệ thực vật và CropLife Việt Nam cũng công bố tài liệu kỹ thuật về hướng dẫn an toàn khi phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái do hai bên phối hợp triển khai nhằm tuyên truyền và hướng dẫn các nguyên tắc và lưu ý an toàn khi áp dụng drone để phun thuốc bảo vệ thực vật.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-day-ung-dung-drone-phun-thuoc-bao-ve-thuc-vat-348839.html