Thực hiện chính sách giảm nghèo gắn với phát triển mô hình sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh An Giang luôn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Qua đó, củng cố niềm tin của bà con đối với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp.

Ông Chau Nưng chăm sóc đàn heo được phát triển từ nguồn vốn hỗ trợ. Ảnh: Phan Bình
Nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cùng tinh thần nhạy bén, nỗ lực phấn đấu, hàng nghìn hộ Khmer ở tỉnh An Giang đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Về Ô Lâm - xã đặc biệt khó khăn của tỉnh An Giang, điều dễ dàng nhận thấy, đó là bộ mặt nông thôn nơi đây đang được “thay da đổi thịt”, sức sống mới hiện rõ trên từng phum, sóc và từng ngôi nhà. Nhiều hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, bố trí đất sản xuất, tạo điều kiện vay vốn; từ đó xuất hiện nhiều mô hình nuôi bò sinh sản, heo và gà..., giúp đời sống của bà con được cải thiện đáng kể.
Ông Phan Thanh Lương, Chủ tịch UBND xã Ô Lâm cho biết: Chính quyền địa phương luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt các chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc đầu tư, thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đối với công tác giảm nghèo, xã chú trọng hỗ trợ người nghèo trong tiếp cận thông tin, nguồn lực, chương trình, chính sách và dịch vụ xã hội.
“Đồng thời, quan tâm giáo dục thay đổi nhận thức và phát huy nguồn lực cộng đồng trong việc nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả để giảm nghèo bền vững. Thông qua việc triển khai thực hiện cùng lúc 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập” - ông Phan Thanh Lương nói.
Là hộ nghèo nhận được hỗ trợ từ dự án giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình ông Chau Nưng (ấp Núi Đá, xã Ô Lâm) chỉ có 3.000m2 đất ruộng nên vợ ông phải đi làm thuê, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Xét hoàn cảnh của gia đình ông Chau Nưng, năm 2023, chính quyền xã Ô Lâm đã hỗ trợ gia đình ông tiếp cận nguồn vốn chương trình hỗ trợ vốn sinh kế để làm ăn. Có được vốn vay, vợ chồng ông Chau Nưng mua lợn giống để phát triển chăn nuôi, đến nay, gia đình không những thoát nghèo, mà còn có vốn tích lũy mở rộng sản xuất.
Cuối năm 2024, gia đình ông Chau Nưng còn được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết. Có được căn nhà kiên cố, lại có nguồn vốn xoay vòng, gia đình ông Chau Nưng yên tâm phát triển chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập.
“Nhà nước trao cho gia đình mình cần câu thì mỗi thành viên trong gia đình phải siêng năng làm lụng để câu được cá. Ý thức như vậy nên gia đình tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống” - ông Chau Nưng chia sẻ.
Bên cạnh sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, chính quyền tỉnh An Giang luôn chú trọng chăm lo đời sống kinh tế cho các hộ đồng bào dân tộc Khmer thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi. Câu chuyện thoát nghèo của gia đình ông Danh Thi, ấp Thạnh Hòa 3, xã Định Hòa là một trong những điển hình. Hơn 10 năm qua, gia đình ông sống bằng nghề phụ hồ của ông với thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày.
Năm 2022, ông Danh Thi được địa phương hỗ trợ vay vốn ưu đãi chuyển đổi nghề theo Nghị định 28/NĐ-CP của Chính phủ với số tiền 50 triệu đồng. Nhờ đó, ông có điều kiện phát triển mô hình nuôi bò. Từ 2 con bò mẹ, đến nay, gia đình đã có thêm 5 con bê; với số tiền thu được từ chăn nuôi, ông đã trả hết nợ ngân hàng. Đầu năm 2024, gia đình ông tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở với số tiền 50 triệu đồng. Do có tay nghề phụ hồ nên trong quá trình xây dựng nhà mới, ông giảm được khá nhiều chi phí xây dựng.

Nhờ chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi chuyển đổi nghề, ông Danh Thi đã triển khai mô hình chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phan Bình
Nhờ vận dụng tốt chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình hỗ trợ sản xuất, số hộ nghèo người dân tộc thiểu số trên địa bàn đã giảm đáng kể. Ông Danh Phúc, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh An Giang cho biết: “Thời gian qua, với sự chủ động triển khai quyết liệt, cả hệ thống chính trị đã tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, các địa phương quan tâm, tạo điều kiện để người lao động được vay vốn và tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và dạy nghề, tiếp tục đổi mới, làm tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho người lao động theo hướng chuyên môn hóa để phân luồng lao động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...”.
Sự thay đổi tích cực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh An Giang là minh chứng cho sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua. Đây là động lực giúp đồng bào trên địa bàn thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông Danh Thi vui vẻ nói: “Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và tham gia lớp tập huấn, đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi, tôi tiếp cận kiến thức, kỹ thuật mới trong chăm sóc, nhận biết những dấu hiệu bệnh thường xảy ra trên đàn bò và có biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn. Cuối năm 2024, gia đình tôi đã thoát nghèo, hiện tại, cuộc sống cũng đủ đầy hơn”.