Thực phẩm bẩn: Mối đe dọa âm thầm trong từng bữa ăn

Thực phẩm bẩn, thịt lợn chết, lợn nhiễm bệnh, đang âm thầm len lỏi vào mâm cơm của hàng nghìn gia đình qua các chợ dân sinh và quán ăn bình dân. Phía sau thực phẩm bẩn và những miếng thịt giá rẻ là hiểm họa khôn lường về sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người tiêu dùng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), an toàn thực phẩm là vấn đề toàn cầu, mỗi năm gây bệnh cho 600 triệu người và khiến 420.000 ca tử vong, trong đó 125.000 ca là trẻ dưới 5 tuổi.

Tại Việt Nam, tính đến cuối tháng 11/2024, đã ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 4.800 người mắc, 21 người tử vong; hơn 22.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm bị phát hiện.

Đáng nói, tình trạng ô nhiễm thực phẩm và lạm dụng hóa chất trong chế biến đang ở mức đáng báo động. Mới đây, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố 3 vụ án liên quan đến việc thu gom, giết mổ và tiêu thụ thịt lợn chết, nhiễm dịch bệnh. Hơn 2 tấn thịt bẩn bị thu giữ trong thời gian ngắn.

Phía sau thực phẩm bẩn và những miếng thịt giá rẻ là hiểm họa khôn lường về sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người tiêu dùng

Phía sau thực phẩm bẩn và những miếng thịt giá rẻ là hiểm họa khôn lường về sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người tiêu dùng

Theo điều tra, các đối tượng mua lợn chết, nhiễm dịch tả lợn châu Phi với giá rẻ, sau đó giết mổ thủ công, tẩm tiết để đánh lừa người mua, rồi bán ra chợ đầu mối với giá như thịt sạch. Mỗi ngày có thể tiêu thụ từ vài trăm kg đến gần 1 tấn thịt lợn bẩn.

Từ thực trạng trên, các chuyên gia cảnh báo, thịt lợn nhiễm bệnh tiềm ẩn nguy cơ chứa virus, vi khuẩn nguy hiểm cùng dư lượng thuốc thú y, chất bảo quản và hóa chất chống thối, gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng.

Thịt lợn “bẩn”: Hiểm họa kép từ vi khuẩn và hóa chất

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, thịt lợn gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng thường xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân chính.

Thứ nhất, trong quá trình vận chuyển, thịt lợn có thể bị hư hỏng hoặc nhiễm khuẩn nhưng vẫn được đưa ra thị trường tiêu thụ. Để che giấu tình trạng này, một số người bán dùng nước muối hoặc hóa chất nhằm khử mùi hôi, tạo cảm giác thịt vẫn còn tươi. Thứ hai, có những con lợn vốn đã ốm yếu hoặc mang mầm bệnh, như dịch tả lợn châu Phi, chứa nhiều vi khuẩn nguy hiểm cho con người. Ngoài ra, việc sử dụng các chất kích thích tăng trưởng bị cấm như salbutamol trong chăn nuôi để tăng trọng nhanh cũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Thực phẩm bẩn, đặc biệt là thịt lợn nhiễm bệnh không đảm bảo ATVSTP, đang tái diễn phức tạp trên thị trường và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người

Thực phẩm bẩn, đặc biệt là thịt lợn nhiễm bệnh không đảm bảo ATVSTP, đang tái diễn phức tạp trên thị trường và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh, thịt chỉ nhiễm khuẩn do bảo quản không đúng cách thì mức độ nguy hại có thể giảm nếu được xử lý phù hợp. Tuy nhiên, khi lợn mắc bệnh, vi khuẩn có thể lan ra dụng cụ giết mổ, thớt, dao, thậm chí cả môi trường xung quanh, gây nguy cơ lan truyền dịch bệnh cho đàn gia súc và cả con người nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

“Thực tế, người tiêu dùng rất khó phân biệt thịt nhiễm bệnh nếu không có kinh nghiệm. Việc lựa chọn thịt thường dựa vào cảm quan như màu sắc, mùi hay độ đàn hồi, trong khi nhiều thủ thuật có thể "qua mặt" người mua. Chẳng hạn, thịt bầm tím, dấu hiệu lợn chết trước khi bị giết mổ, có thể được ngâm vào dung dịch nước muối hay axit để khử mùi và làm thịt đỏ tươi trở lại. Với các chiêu thức tinh vi của tiểu thương, chỉ khoảng 1 trong 10 người đi chợ có khả năng phân biệt được thịt tươi ngon, đảm bảo an toàn”, ông Thịnh cho hay.

Vì vậy, ông Thịnh cho rằng, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần tăng cường phát hiện sớm các ổ dịch, thông tin kịp thời đến người dân, các cơ sở giết mổ và hệ thống phân phối thực phẩm. Việc tiêu hủy lợn bệnh cần được thực hiện nhanh chóng, đúng quy trình nhằm bảo vệ đàn gia súc và sức khỏe cộng đồng.

Ngộ độc cấp tính do vi khuẩn và ký sinh trùng trong thịt nhiễm bệnh

TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, cảnh báo tình trạng thực phẩm bẩn, đặc biệt là thịt lợn nhiễm bệnh không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), đang tái diễn phức tạp trên thị trường và gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tức thì đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Ăn thịt lợn nhiễm bệnh có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm cấp tính - phản ứng phổ biến và xảy ra nhanh chóng do nhiễm các vi khuẩn như Salmonella, E. coli, Clostridium perfringens, Staphylococcus aureus hay Listeria monocytogenes có trong thịt ôi thiu hoặc thịt từ động vật bệnh. Người bệnh thường xuất hiện triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng, mất nước. Trong những trường hợp nghiêm trọng, ngộ độc có thể dẫn đến trụy tim mạch, suy thận cấp, thậm chí tử vong, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, người già và người có hệ miễn dịch suy yếu.

TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam

Không chỉ chứa vi khuẩn, thịt nhiễm bệnh còn có thể mang theo ký sinh trùng, điển hình là ấu trùng sán lợn. Khi xâm nhập vào cơ hoặc mắt, chúng có thể gây đau nhức, sưng tấy hoặc làm suy giảm thị lực. Về lâu dài, thực phẩm bẩn chứa hóa chất độc hại, vi sinh vật, ký sinh trùng hoặc tồn dư kháng sinh có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư, rối loạn nội tiết, các bệnh gan, thận mạn tính (viêm gan, xơ gan), vô sinh, suy giảm trí tuệ và chậm phát triển thần kinh ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, tình trạng kháng kháng sinh đang trở nên nghiêm trọng hơn. Việc thường xuyên tiêu thụ thịt, trứng, sữa có tồn dư kháng sinh như tetracycline, chloramphenicol, colistin... khiến vi khuẩn trong đường ruột người phát triển khả năng kháng thuốc. Khi nhiễm trùng xảy ra, thuốc điều trị có thể không còn hiệu quả, làm tăng nguy cơ biến chứng nặng và tử vong.

BS. Sơn lưu ý, trẻ nhỏ và người cao tuổi là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi sử dụng thực phẩm không an toàn. Trẻ em có hệ miễn dịch và các cơ quan chức năng chưa hoàn thiện, dễ mất nước và suy kiệt khi bị ngộ độc. Trong khi đó, người cao tuổi thường suy giảm miễn dịch do lão hóa và mắc nhiều bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, bệnh thận... khiến họ dễ gặp biến chứng nặng khi nhiễm độc thực phẩm.

Ngoài thịt lợn nhiễm bệnh, trên thị trường còn xuất hiện tràn lan nhiều loại thực phẩm chứa hóa chất cấm và phụ gia độc hại như Rhodamine B (chất tạo màu trong tương ớt), hàn the (trong giò, chả), chất tẩy trắng hay formol bảo quản thực phẩm. Đây đều là các chất nằm ngoài danh mục cho phép, có thể tích tụ dần trong cơ thể và gây ngộ độc mạn tính. Thực phẩm bẩn không chỉ đe dọa sức khỏe người tiêu dùng mà còn tạo áp lực nặng nề cho hệ thống y tế. Các bệnh viện, đặc biệt là khoa cấp cứu và truyền nhiễm, thường xuyên phải tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thực phẩm cấp tính. Những ca nặng có thể dẫn tới viêm não do ký sinh trùng, suy thận, sốc nhiễm khuẩn… đòi hỏi điều trị dài ngày và chi phí cao.

“Mặc dù việc nhận biết thực phẩm bẩn không dễ, nhưng người tiêu dùng vẫn có thể cảnh giác bằng một số dấu hiệu như: nên ưu tiên mua thực phẩm tại siêu thị, cửa hàng uy tín hoặc chợ đầu mối có kiểm soát. Tránh mua hàng không rõ nguồn gốc, không có bao bì, tem nhãn. Khi quan sát bằng mắt thường, nên chọn thực phẩm có màu sắc tự nhiên, không quá đỏ hoặc bóng loáng bất thường; Thịt sạch thường có màu hồng nhạt đến đỏ tươi, khô ráo, không nhớt. Khi dùng tay ấn thử, thịt tươi có độ đàn hồi tốt, vết lõm biến mất nhanh. Ngược lại, thịt ôi hoặc chứa hóa chất thường mềm nhũn, chảy nước, có dịch màu vàng”, bác sĩ Trương Hồng Sơn khuyến cáo.

Theo BS. Sơn, để kiểm soát vấn nạn thực phẩm bẩn, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên: Nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Trong đó, Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất - kinh doanh, xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm ATVSTP, đồng thời, ngăn chặn thực phẩm độc hại từ bên ngoài. Nhà sản xuất phải tuân thủ quy định ATVSTP, đảm bảo minh bạch về nguồn gốc và quy trình sản xuất, nâng cao đạo đức trong kinh doanh. Người tiêu dùng cũng cần chủ động nâng cao nhận thức, lựa chọn thực phẩm an toàn và báo cáo kịp thời khi phát hiện hành vi vi phạm tới cơ quan chức năng.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thuc-pham-ban-moi-de-doa-am-tham-trong-tung-bua-an-post1215319.vov