Thực phẩm sạch 'từ trang trại đến bàn ăn' được lòng người tiêu dùng

Nhận thức rõ tầm quan trọng của thực phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng, đây cũng là lý do để Công ty cổ phần công nghệ thực phẩm Kiên Cường Phát, xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, khép kín chăn nuôi, trồng trọt, gắn liền với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Không những làm hài lòng người tiêu dùng bằng những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng 'tươi ngon-sạch' đúng nghĩa, đây còn là điểm sáng về phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại Cửa hàng thực phẩm sạch Nguyên Xưa (thành phố Ninh Bình).

Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại Cửa hàng thực phẩm sạch Nguyên Xưa (thành phố Ninh Bình).

Chọn lối đi riêng

Đến trang trại sản xuất của Công ty cổ phần công nghệ thực phẩm Kiên Cường Phát tại thôn 12, xã Đông Sơn, anh Vương Trung Kiên, Giám đốc Công ty đang chỉ đạo người lao động kiểm tra, chăm sóc đàn gà. Nhìn trại gà được bố trí quy củ với phần lớn diện tích dành cho sân chơi, dưới những gốc cây, bụi cỏ, những chú gà tự do bay nhảy tìm kiếm thức ăn..., chúng tôi phần nào hiểu được ý tưởng làm nông nghiệp thuận theo tự nhiên của anh Kiên.

Chưa hết ấn tượng với trại gà, chúng tôi còn được ông chủ trang trại dẫn đi tham quan khu chăn nuôi lợn quy mô 50 con lợn nái, 300 con lợn thịt; khu nhà màng sản xuất rau, củ, quả rộng hàng nghìn m2 ; tiếp đến là một nhà xưởng chuyên sản xuất, phối trộn thức ăn chăn nuôi; nhà giết mổ, chế biến, đóng gói... Tất cả đều được bố trí khoa học, ngăn nắp với đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại.

Anh Kiên chia sẻ: Người nông dân trước đây chỉ biết tập trung vào khâu sản xuất rồi bán cho thương lái mà chưa đầu tư nhiều về chất lượng, không quan tâm đến khâu chế biến cũng như đầu ra cho sản phẩm nên hay bị ép giá, thu nhập bấp bênh. Tôi nghĩ mình phải làm khác đi, điều đó thôi thúc tôi đến với mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ với chu trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn. May mắn trong quá trình làm, tôi được Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, Công ty cổ phần công nghệ sinh học PP Việt Nam hỗ trợ về kỹ thuật, chuyển giao nhiều quy trình công nghệ mới, hiệu quả. Trong đó, quan trọng nhất là công nghệ tự sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Đàn lợn được chăm sóc, chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật an toàn, vệ sinh.

Quan điểm của anh Kiên là tuyệt đối không sử dụng cám công nghiệp. Tất cả thức ăn cho đàn lợn, đàn gà trong trang trại đều được sản xuất từ các nguyên liệu sẵn có tại địa phương như: ngô, cám gạo, đỗ tương, primex khoáng, sau đó được đưa vào ủ men vi sinh, đồng thời bổ sung thêm rau xanh, bột trùn quế, các thảo dược tự nhiên (tỏi, gừng, cam thảo, quế chi, kim ngân hoa, lá lốt…) và cho vật nuôi ăn tươi luôn. Tùy vào đối tượng, tùy vào lứa tuổi, lợn con, lợn nái, lợn thịt, gà đẻ trứng, gà lấy thịt... sẽ có một công thức phối trộn riêng. Những loại thức ăn này giúp vật nuôi có sức đề kháng tốt và giúp giảm tối đa việc sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trong quá trình chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Đặc biệt, việc cho đàn lợn uống nước trà xanh hàng ngày khiến đường tiêu hóa của lợn tốt hơn, làm cân bằng tỷ lệ nạc mỡ, tăng chất lượng thịt. Một điểm nổi bật khác của trang trại đó là khoa học công nghệ được ứng dụng ở tất cả các khâu và quy trình chăn nuôi, trồng trọt được thực hiện theo hướng tuần hoàn khép kín. Phân của vật nuôi lại là thức ăn của trùn quế. Thịt của trùn quế là thức ăn bổ dưỡng cho vật nuôi, phân của trùn quế là phân hữu cơ vi sinh được bón cho cây trồng, cứ thế quay vòng. Ngoài ra, nước thải của quá trình chăn nuôi còn được đưa xuống bể biogas tạo ra khí gas phục vụ trong sinh hoạt, đun nấu, sưởi ấm úm gà, lợn...

Tạo dựng niềm tin và uy tín trên thị trường

Không chỉ chú trọng khâu sản xuất, với mong muốn mang đến tận tay người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, tươi ngon từ trang trại mà không qua khâu trung gian, anh Kiên còn đầu tư một khu giết mổ, chế biến sâu và áp dụng công nghệ biến tính protein để sản xuất giò, chả, xúc xích. Trung bình mỗi ngày, trang trại giết mổ từ 2-5 con lợn, hàng chục con gà, sản xuất khoảng 50 kg giò, chả, xúc xích, ngoài ra có trứng gà, rau xanh, hoa quả... Tất cả sản phẩm đều được đưa tới tay người tiêu dùng ngay trong ngày thông qua hệ thống 3 cửa hàng thực phẩm sạch mang thương hiệu Nguyên Xưa trên địa bàn thành phố Ninh Bình, đảm bảo giữ được độ tươi ngon tự nhiên vốn có.

Chị Nguyễn Thị Hương Giang, phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình), một khách hàng thường xuyên của thực phẩm sạch Nguyên Xưa chia sẻ: Hiện nay có rất nhiều cửa hàng thực phẩm an toàn, tuy nhiên, người tiêu dùng chúng tôi rất khó kiểm chứng được nguồn gốc của các sản phẩm nên còn nhiều băn khoăn. Từ khi biết đến cửa hàng Nguyên Xưa có trang trại sản xuất riêng với mô hình thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn, tôi thấy yên tâm và chọn sử dụng lâu dài hơn.

Thực tế, do quy trình khép kín từ chăn nuôi đến chế biến và cung cấp cho người tiêu dùng nên chất lượng sản phẩm của Nguyên Xưa được kiểm soát chặt chẽ, tạo dựng niềm tin và uy tín không chỉ với chị Giang mà còn rất nhiều người tiêu dùng khác.

Thu hoạch trứng gà sạch tại trang trại Nguyên Xưa.

Anh Vương Trung Kiên chia sẻ thêm: Các sản phẩm do Công ty sản xuất ra đều được đưa đi kiểm nghiệm định kỳ, phân tích các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh (hàm lượng Nitrit, E. Coli, Coliform, Salmonnella, Cadimi, chì...). Chúng tôi cũng đã tiến hành làm thủ tục đăng ký mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm. Cũng theo anh Kiên, chỉ có phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thì mới mang lại hiệu quả bền vững, lâu dài nhất.

Bà Vũ Thị Thơm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Tam Điệp đánh giá: Mô hình nông nghiệp "Từ trang trại đến bàn ăn" của Công ty cổ phần công nghệ thực phẩm Kiên Cường Phát cho thấy sự đầu tư nghiêm túc và có tầm nhìn dài hạn, góp phần làm minh bạch hóa thị trường thực phẩm an toàn vốn đang còn nhiều bất cập; giải quyết được bài toán được mùa, mất giá trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục được tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Đây còn là điểm sáng về phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Công ty để đào tạo, tập huấn, chuyển giao cho người dân địa phương các quy trình kỹ thuật tiên tiến của mô hình như: công nghệ tự sản xuất thức ăn, công nghệ đệm lót sinh học, biogas, tách ép phân..., qua đó giúp bà con bắt kịp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại.

Nguyễn Lựu-Ngọc Linh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thuc-pham-sach-tu-trang-trai-den-ban-an-duoc-long-nguoi-tieu/d20240314080058589.htm