Thuế thấp không phải đích, nội địa hóa mới là chiến lược tăng trưởng bền vững

Mới đây, Mỹ công bố mức thuế quan mới áp dụng với một loạt các nước, trong đó có Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế - Tài chính, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế đánh giá, mức thuế hiện tại thấp hơn so với nhiều đối tác khác như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản là một kết quả tích cực từ nỗ lực đàm phán cấp cao. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần tăng cường nội địa hóa, kiểm soát xuất xứ hàng hóa và cải cách chính sách thuế để duy trì lợi thế này và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế.

TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế.

Phóng viên: Vừa qua, Mỹ đã công bố loạt mức thuế quan mới. Ông đánh giá thế nào về con số dành cho Việt Nam lần này?

TS. Nguyễn Minh Phong: Có thể nói mức thuế mới không gây bất ngờ, bởi đã phản ánh phần nào kết quả đàm phán hiệu quả giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt sau chuyến thăm và hội đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ. So với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, mức thuế của Việt Nam thấp hơn rõ rệt. Đặc biệt, nếu so với 14 quốc gia mà Mỹ đã gửi thư cảnh báo gần đây, có nước bị áp thuế tới 40%, thì mức của Việt Nam là tích cực.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây chưa phải là mức thuế cuối cùng. Trong trường hợp chúng ta đảm bảo được xuất xứ nội địa 100%, thì mức thuế thậm chí có thể giảm xuống dưới 10%. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất trong nước và kiểm soát nghiêm ngặt xuất xứ hàng hóa, tránh bị lợi dụng để “mượn đường”. Nếu không, rủi ro bị Mỹ áp thuế cao lên đến 40% là hoàn toàn có thể, kéo theo tổn hại về uy tín và quyền lợi của doanh nghiệp Việt.

Phóng viên: Với mức thuế mới này, ông dự báo tác động thế nào đến xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam?

TS. Nguyễn Minh Phong: Với các kịch bản ban đầu, nếu thuế ở mức 20%, xuất khẩu của Việt Nam có thể thiệt hại từ 30-40 tỷ USD, tăng trưởng GDP giảm 1-1,5%. Nhưng với mức thuế hiện tại thấp hơn kỳ vọng thì ảnh hưởng tiêu cực sẽ được giảm thiểu đáng kể.

Điều quan trọng nằm ở chỗ, nếu Việt Nam đẩy mạnh nội địa hóa và kiểm soát tốt xuất xứ, thì không chỉ tránh được các rủi ro mà còn tận dụng được mức thuế ưu đãi, thậm chí dưới 10%. Dù có thể có sụt giảm nhẹ về sức cạnh tranh hoặc tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ, song đây không phải là cú sốc quá lớn như lo ngại ban đầu.

Về dài hạn, nếu cải cách mạnh mẽ chuỗi cung ứng, tối ưu hóa chi phí và bám sát chỉ đạo Chính phủ như Nghị quyết số 68/NQ-TW, Nghị quyết số 66/NQ-TW, Nghị quyết số 57/NQ-TW thì tăng trưởng xuất khẩu vẫn sẽ tích cực và bền vững hơn.

Phóng viên: Theo tính toán, nếu bị áp thuế 20%, tăng trưởng GDP sẽ giảm khoảng 0,8%. Theo ông, cần chính sách nào để bù đắp phần hụt này?.

TS. Nguyễn Minh Phong: Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp cấp cao sau khi Tổng Bí thư có điện đàm với Tổng thống Mỹ và đưa ra nhiều chỉ đạo quan trọng. Theo tôi, đầu tiên là cần tận dụng tối đa cơ hội từ khung thuế ưu đãi dưới 10%. Tiếp đó là đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiết giảm chi phí, tăng đàm phán với các đối tác Mỹ để chia sẻ rủi ro.

Ngoài ra, cần phát huy tinh thần cải cách bộ máy, khai thác động lực nội tại để đạt tăng trưởng từ 8-10% trong năm nay.

Phóng viên: Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Thủ tướng cũng đã yêu cầu đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để kích thích tăng trưởng. Ông đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm như thế nào.

TS. Nguyễn Minh Phong: Báo cáo của các cơ quan cho thấy đầu tư công có chuyển biến tích cực. Đây là kết quả của việc nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Nếu tiếp tục được triển khai đồng bộ cùng với tín dụng thương mại, đầu tư tư nhân, và khai thác tốt các hiệp định thương mại đã ký kết, cộng thêm các tín hiệu tích cực từ đàm phán thuế với Mỹ, thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Phóng viên: Khu vực tư nhân đang được kỳ vọng đóng góp lớn vào nền kinh tế nước ta. Theo ông, về môi trường pháp lý cho khu vực này, hiện còn những vướng mắc nào cản trở sự phát triển?

TS. Nguyễn Minh Phong: Vấn đề lớn nhất hiện nay là gánh nặng thuế và thủ tục liên quan. Cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn có sự cải cách sâu hơn, nhất là trong chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân, thủ tục hoàn thuế, cũng như các điều kiện để hưởng ưu đãi.

Ngoài ra, việc áp dụng thuế điện tử cần minh bạch, thuận lợi hơn, tránh tình trạng gây khó dễ, lạm dụng hoặc phát sinh chi phí ngầm. Bộ Tài chính đã có dự thảo chính sách thuế mới theo hướng đồng bộ, công bằng và khuyến khích đổi mới, điều này rất cần được thực thi nghiêm túc.

Phóng viên: Vậy làm sao để xây dựng hệ thống chính sách thuế vừa đảm bảo công bằng vừa khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo?

TS. Nguyễn Minh Phong: Theo tôi, cần ưu tiên ba yếu tố gồm: giảm áp lực thuế, mở rộng diện bao phủ thuế một cách công bằng và khuyến khích khởi nghiệp. Hệ thống chính sách thuế cần hướng tới việc bảo vệ người thu nhập thấp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi chính thức, đồng thời giảm thuế cho các lĩnh vực sản xuất, công nghệ cao, xanh và thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, cần có chính sách điều chỉnh thuế tiêu dùng theo hướng hạn chế các sản phẩm không khuyến khích như nước ngọt, sản phẩm gây ô nhiễm, và thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, công nghệ cao, góp phần vào chiến lược phát triển bền vững quốc gia.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hằng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thue-thap-khong-phai-dich-noi-dia-hoa-moi-la-chien-luoc-tang-truong-ben-vung.html?source=cat-84