Thương mại điện tử: 'Cuộc đua' tiếp tục sôi động
Ngay khi Temu vừa tạm dừng hoạt động để hoàn tất thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương thì sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn cũng đã chính thức ra mắt.
Ưu thế cạnh tranh
Nongsan.buudien.vn là nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản chất lượng cao đầu tiên tại Việt Nam do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) làm chủ về công nghệ và vận hành. Sự kiện này đánh dấu bước tiến lớn của doanh nghiệp nội địa trên thị trường thương mại điện tử.
Giới chuyên gia nhận định, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã, đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều xu hướng mua sắm mới. Bên cạnh đó, việc các sàn thương mại điện tử luôn tung ra những chương trình kích cầu mua sắm rầm rộ…. cho thấy "cuộc đua" thương mại điện tử sẽ càng trở nên gay gắt hơn.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 10 tháng năm 2024, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử từ giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) đã đạt 18-20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.
Nhiều nhận định, năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ vượt mốc 25 tỷ USD. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về thuế từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Hiện cả nước có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số thu ngân sách là 19.774 tỷ đồng. Số liệu mới nhất cho thấy, riêng số thu khai trực tiếp qua cổng thông tin năm nay đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ; trong đó có những sàn thương mại điện tử lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple...
Bên cạnh đó, 11 tháng của năm 2024, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam – phân tích: Thương mại điện tử là một phần của chuyển đổi số ở trong lĩnh vực bán lẻ. Con số thống kê có trên 20 tỷ USD doanh thu bán lẻ trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam là chưa đầy đủ nhưng qua đó cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có số lượng đơn hàng trên sàn thương mại điện tử rất lớn.
“Nếu chúng ta quan sát thì sẽ thấy, thời gian gần đây, một số tuyến phố ngày xưa chuyên bán các mặt hàng thời trang giờ đã không xuất hiện. Ở một số chợ, tiểu thương cũng rất khó khăn, khi mà khách hàng giảm. Một số hàng hóa của Việt Nam, thậm chí những hãng thời trang nội địa đã nổi tiếng nhưng nếu không kịp thời ứng dụng công nghệ nói chung và ứng dụng internet, thương mại điện tử nói riêng thì họ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Lâm Thanh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam cũng chia sẻ thêm: Từ năm 2024 trào lưu mua sắm đi kèm với giải trí đã thể hiện rất rõ. Doanh nghiệp phải nắm bắt được xu hướng này để chuyển đổi. Song hiện nay ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhìn thấy rủi ro trong việc không hòa mình vào cuộc chuyển đổi số. Nếu doanh nghiệp bỏ qua chuyển đổi số trong công tác phân phối hàng hóa, quảng bá thương hiệu thì sẽ có ngày người tiêu dùng không biết đến họ nữa.
Giải quyết thách thức, tạo động lực cho thương mại điện tử phát triển
Là một trong những công cụ trực tuyến mạnh mẽ có thể giúp doanh nghiệp phát triển và mở rộng quy mô ra toàn cầu, tuy nhiên phát triển thương mại điện tử cũng sẽ gặp không ít thách thức, nhất là với doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đó là hạn chế về kiến thức và kỹ năng số; năng lực cạnh tranh chưa cao; thiếu thông tin thị trường, các vấn đề liên quan đến rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán…
Bên cạnh đó, những biến động của thị trường quốc tế, các căng thẳng thương mại, cùng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp.
Là tập đoàn có hành trình phát triển trên 30 năm, ông Trần Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, kiêm Giám đốc điều hành kênh thương mại điện tử E2E (thuộc Tập đoàn KIDO) – chia sẻ: Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 3 khó khăn cỗi lõi khi tham gia thị trường thương mại điện tử. Thứ nhất là vấn đề về công nghệ: Thương mại điện tử là chuyển đổi số của ngành bán lẻ và thương mại điện tử là chuyển đổi số của phân phối, đều liên quan đến công nghệ, tuy nhiên mức độ thích nghi của doanh nghiệp còn khá hạn chế; thứ hai về sự kiên trì; thứ ba, trước đây thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao là chỉ dấu đưa hàng Việt Nam phát triển, nhưng giờ đây cần xây dựng chỉ dấu nhận biết từ cơ quan nhà nước có tính chất, quy mô lớn hơn để đưa hàng Việt Nam vươn mình ra thế giới.
Cùng quan điểm với ông Trần Quốc Bảo, nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển bền vững thì cần thiết phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử, vì hiện nay phần lớn doanh nghiệp của chúng ta quy mô còn rất nhỏ so với toàn cầu nên khó có đủ nguồn lực để theo kịp.
Nhằm góp phần đẩy mạnh thương mại điện tử, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 119/CĐ-TTg yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát Luật thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kịp thời đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử; chủ động xây dựng chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở đó nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030…
Thúc đẩy hạ tầng thương mại điện tử
Thực tế thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại; tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại điện tử, tạo động lực phát triển kinh tế số và thương mại điện tử, góp phần tạo ra không gian phát triển mới.
Đồng thời xây dựng, vận hành Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam nhằm mục tiêu hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong kiểm tra, xử lý, tập trung thông tin hợp đồng điện tử của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong hoạt động thương mại; xây dựng và vận hành nền tảng hỗ trợ thanh toán trực tuyến KeyPay nhằm phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, hạ tầng thanh toán đảm bảo hỗ trợ dịch vụ hành chính công.
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu khai báo C/O (ecosys.gov.vn) mẫu Vsign và Dịch vụ hỗ trợ khai báo xuất xứ hàng hóa; triển khai các giải pháp, chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới…; triển khai sự kiện ngày mua sắm trực tuyến 2024; xây dựng, triển khai sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh/thành (sanviet.vn)….
Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và có sự cạnh tranh gay gắt, để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, bám sát tình hình phát triển thương mại điện tử trên thế giới và trong nước để kịp thời ban hành chính sách nhằm quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam.
Chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an... khai thác thông tin, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh truyền thông, cập nhật, đăng tải thông tinh cảnh báo hành vi lừa đảo, gian lận thương mại, lợi dụng thương mại điện tử để cảnh báo người tiêu dùng…
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-mai-dien-tu-cuoc-dua-tiep-tuc-soi-dong-364259.html