Tích cực kiểm soát nguồn thực phẩm tươi sống

Vấn đề ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng hiện đang rất đáng báo động. Đáng chú ý, có những vụ ngộ độc tập thể lên đến hằng trăm người như ở tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương… Trong số đó đã có những ca tử vong.

Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau Dư Minh Hùng chỉ đạo ngành y tế các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tuân thủ nghiêm các nguyên tắc cần thiết trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ việc lựa chọn nguồn thực phẩm, khâu chế biến đến phương pháp bảo quản… nhằm đảm bảo và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Nguồn thực phẩm tươi sống của các hộ tiểu thương ở chợ đầu mối phường 7, TP Cà Mau được ngành chức năng kiểm tra mỗi ngày và đóng dấu chất lượng hàng hóa.

Nguồn thực phẩm tươi sống của các hộ tiểu thương ở chợ đầu mối phường 7, TP Cà Mau được ngành chức năng kiểm tra mỗi ngày và đóng dấu chất lượng hàng hóa.

Đối với Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, cần tích cực chủ động phối hợp, kết hợp với các cơ quan, đơn vị, các ngành chức năng, lực lượng y tế tại các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác kiểm dịch nguồn hàng thực phẩm, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, các loại thức ăn nhanh, các loại nước uống tự pha chế được bày bán tại các cổng trường học, bệnh viện, bến xe, tàu, khu dân cư...

Bác sĩ Nguyễn Quang Phú, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cà Mau, cho biết: “Thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho các loại nấm mốc phát triển trên thực phẩm, nếu không được kiểm dịch và bảo quản kỹ, đúng cách. Từ đó tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển, gây ra rất nhiều căn bệnh nguy hiểm cho người tiêu dùng, phổ biến nhất là bệnh đường ruột”.

Có thể nói, nguồn thực phẩm tươi sống hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau như các loại thịt, cá, rau, quả… được nhập về từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng hầu hết đều không qua kiểm dịch một cách chu đáo. Tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, nhiều tiểu thương buôn bán các loại thịt gia súc, gia cầm, cá khô, mắm… nhưng lại không được bảo quản theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn. Một số hộ còn tận dụng nguồn thực phẩm được thu gom từ các nguồn trôi nổi. Trong khi đó, người tiêu dùng lại có thói quen lựa chọn hàng hóa rẻ tiền, ít quan tâm đến nguồn thực phẩm được kiểm dịch, có nhãn mác hoặc còn thời hạn sử dụng hay không. Đây được xem là nguy cơ tiềm ẩn của tình trạng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng.

Tình trạng buôn bán gia cầm chưa qua kiểm dịch, nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng là rất lớn.

Tình trạng buôn bán gia cầm chưa qua kiểm dịch, nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng là rất lớn.

Đối với người tiêu dùng, không nên dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm phục vụ cho bữa ăn gia đình và cũng có thể thực hiện việc kiểm tra chất lượng thực phẩm bằng các phương pháp thông thường như: ngửi mùi, sờ nắn là cách để nhận biết thực phẩm có đạt chất lượng không hoặc có thể kiểm tra nhãn mác ghi trên bao bì (nếu là hàng đóng gói), ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng để có thể nhận biết thực phẩm có còn hạn sử dụng không.

Ngoài thịt, trứng, cá…, các loại thực phẩm từ rau, củ, quả cũng là hàng hóa dễ bị hư hỏng (dập nát, thay đổi màu…), có dấu hiệu bị phân hủy hoặc phơi nhiễm từ các loại thuốc bảo vệ thực vật, các chất bảo quản. Do đó, nếu việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành chức năng chưa được thực hiện tích cực và thường xuyên; sự lựa chọn của người tiêu dùng không cẩn thận có thể sẽ gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Sử, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường, Y tế trường học và Bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cà Mau: “Người tiêu dùng nên tiến hành các bước quan trọng trước khi sử dụng thực phẩm như: rửa thật kỹ tất cả các loại thực phẩm, dùng khăn khô lau sạch (nếu là hoa quả); bảo quản trong tủ lạnh, nhất là đối với các loại sản phẩm đã đóng gói sẵn. Cần tránh để hoa quả, rau tươi, thức ăn chín… gần với nơi để thịt sống, thịt gia cầm hoặc thủy, hải sản”.

Các chuyên gia về dịch tễ học khuyến cáo, thực phẩm an toàn là những loại thực phẩm được quản lý và phải được chế biến đúng cách. Vì vậy, giải pháp an toàn và tốt nhất cho sức khỏe đối với người tiêu dùng là phải giữ cho thực phẩm không bị mất giá trị về dinh dưỡng mà vẫn đảm bảo được bữa ăn đủ chất cho gia đình. Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi người hãy là nhà tiêu dùng thông thái./.

Phương Vũ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tich-cuc-kiem-soat-nguon-thuc-pham-tuoi-song-a32877.html